(KTSG) – TPHCM có hơn 390.000 doanh nghiệp nhưng phần lớn là các công ty siêu nhỏ, dễ bị tác động khi môi trường kinh tế thay đổi, tạo nhiều áp lực cho mục tiêu phát triển bền vững của thành phố. Vì vậy, TPHCM muốn đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp để giải quyết vấn đề này.
Thương hiệu doanh nghiệp và bản sắc TPHCM
Tại hội thảo “Phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp TPHCM” do UBND TPHCM tổ chức hôm thứ Sáu tuần trước, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết trong số hơn 390.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại thành phố, có đến 86,9% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4,7% doanh nghiệp nhỏ, 6,3% doanh nghiệp vừa. Doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm 1,9%, còn số doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ chiếm khoảng 0,1%.
“Cơ cấu theo quy mô như trên đang tạo nhiều áp lực cho mục tiêu phát triển bền vững của thành phố. Thành phố muốn xây dựng, quảng bá những sản phẩm, doanh nghiệp nổi bật và xây dựng các chính sách hỗ trợ để họ vươn ra tầm quốc tế, tạo đặc trưng của TPHCM ở thị trường quốc tế”, ông Phong nói.
Theo ông Phong, điều này không chỉ quan trọng với thành phố mà còn là với bản thân doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng đầu tư nước ngoài vào thành phố mạnh mẽ, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững ngay tại thị trường bản địa và rộng hơn là ra bên ngoài.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cũng cho rằng TPHCM chưa có nhiều thương hiệu mạnh cũng như chưa có nhiều thương hiệu góp mặt vào các chương trình thương hiệu quốc gia. “Chẳng hạn, chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP đã thu hút nhiều địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng, trong đó Hà Nội có Gốm Bát tràng, nhưng với TPHCM thì hơi khó”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, TPHCM cần định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp gắn với chương trình thương hiệu quốc gia, gắn với hình dung, định vị của thành phố và phải có chiến lược cùng những cải cách, chính sách thực thi và các hoạt động biểu tượng.
Các bước thực hiện có thể tham khảo là đánh giá hiện trạng, xây dựng tiêu chí chọn lựa sản phẩm chủ lực; xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm mang thương hiệu thành phố; thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển; xây dựng cơ sở pháp lý và khoa học phục vụ việc triển khai hoạt động quản lý, phát triển nhãn hiệu, chứng nhận; cải thiện khả năng thương mại hóa cho sản phẩm; nâng cao năng lực tiếp thị và kinh doanh cho doanh nghiệp và thúc đẩy khả năng kết nối thị trường.
“Chúng ta muốn gì ở TPHCM trong tương lai? Đây phải là cái tên mà gần đây người ta nói về TPHCM. Thành phố phải là nơi có bản sắc, quá khứ, hiện tại và đặc biệt là sự phát triển trong tương lai. Đó không chỉ là khẩu hiệu mà câu chuyên phát triển đằng sau”, ông Thành nói.
Bán hàng còn là bán hình ảnh
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia tại hội thảo trên cho rằng cần phải có một cuộc bình chọn rộng rãi, với những tiêu chí rõ ràng thì mới chọn được những sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mạnh của TPHCM. Những vấn đề cốt lõi để có thể đánh giá và xây dựng thương hiệu, sản phẩm “đinh” gồm bản sắc, sự tập trung, hình ảnh nhất quán. Việc phát triển giá trị thương hiệu của thành phố phải là sự giao thoa của giá trị điểm đến và giá trị sản phẩm cũng như cần định vị, xác định lợi thế, năng lực cốt lõi.
Ông Nguyễn Đức Sơn, chuyên gia về chiến lược thương hiệu, CEO của Richard Moore Asscociates, dẫn câu chuyện về phát triển thương hiệu Obobun cho một doanh nghiệp Việt Nam ở thành phố Grenoble (Pháp) để chứng minh rằng thương hiệu không chỉ là sản phẩm hữu hình mà còn có giá trị vô hình rất lớn. Bản sắc và cá tính riêng mới chính là giá trị bền vững của thương hiệu.
Theo ông Sơn, nhà hàng bún bò Nam bộ trên đất Pháp này đã gầy dựng được tên tuổi và được một ứng dụng giao hàng nổi tiếng ở đây chọn vào tốp các địa chỉ ẩm thực chỉ sau ba năm nhờ vào việc tạo nên bản sắc riêng.
Trước hết là đặt tên, người Pháp thích hài hước cho nên nhà hàng được gọi là Obobun, một từ vui vui, có nghĩa là ở đây có bán bún bò xào, giúp khách dễ nhớ. Kế đến, nhà hàng có không gian mở để khách hàng, là những người Pháp yêu ẩm thực, thích những gì liên quan đến văn hóa có thể thấy đầu bếp, nhân viên chế biến món ăn trước khi cho đồ ăn vào bát của họ.
Cùng với đó là thiết kế sinh động, khác biệt với những nơi khác và không gian, cách phục vụ ấm cúng, thân thiện. Chủ nhà hàng có thể trò chuyện vui vẻ với khách để tạo nên sự tương tác mà nơi khác không có. Một điểm mấu chốt nữa là đảm bảo bán món bún bò xào chuẩn vị Việt. Cuối cùng, hoạt động, thông điệp truyền thông không được xa rời châm ngôn này.
“Bán hàng chưa hẳn là bán sản phẩm mà là bán hình ảnh. Tất cả đi qua chỉ còn lại hình ảnh. Vì vậy, hình ảnh phải nhất quán. Các thương hiệu thành công luôn có nguyên lý là sự nhất quán và tập trung”, ông Sơn nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp hàng đầu của TPHCM như Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Saigon Co.op, Công ty cổ phần tập đoàn Thời trang Thái Tuấn, Sơn mài Minh Phương có cùng câu chuyện, đó là đầu tiên phải có sản phẩm, dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trong đó, Thái Tuấn luôn chấp nhận đầu tư lớn để bắt kịp xu hướng mới về công nghệ, cho ra đời những sản phẩm phù hợp thị hiếu; Vissan đi đầu trong việc truy suất hàng hóa, đảm bảo 100% heo giết mổ được nuôi theo tiêu chuẩn VietGap dù tiêu tốn nguồn đầu tư lớn hơn; Sơn mài Minh Phương đầu tư cho đội ngũ nghệ nhân giỏi tay nghề để cho ra những sản phẩm chất lượng…
“Giá trị sản phẩm là quyết định. Chúng tôi cung cấp cho khách hàng những sản phẩm giá trị cùng với chế độ hậu mãi, chuyển hàng đầy đủ, an toàn và hiệu quả. Khi khách hàng thích thì giá không còn là vấn đề”, đại diện Sơn mài Minh Phương nói và cho biết mỗi năm công ty đón khoảng 1,5 triệu lượt khách tham quan và mua sắm.
Doanh nghiệp cũng cho rằng cần phải tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị hình ảnh thành phố ở nhiều tỉnh, thành của cả nước và ra quốc tế.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc tiếp thị của Saigon Co.op, kể trong khi một số nơi phải giải cứu vải thiều thì tỉnh Bắc Giang đã đi trước để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm này. Hai năm trước, tỉnh đã chủ động mời Saigon Co.op ra giới thiệu đặc sản vải thiều.
Sau quá trình làm việc, Saigon Co.op bao tiêu toàn bộ sản phẩm để bán trong toàn hệ thống và lên kế hoạch Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại Saigon Co.op. Từ câu chuyện này, có thể thấy sự tích cực, đi đầu của địa phương sẽ mang lại hiệu quả tiếp thị lớn và thành phố nên tổ chức những tuần lễ TPHCM ở trong nước cũng như quốc tế để giới thiệu hình ảnh, thương hiệu.
Cũng tại hội nghị này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM, đề nghị Sở Công Thương tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia và phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu cho UBND thành phố xây dựng đề án “Chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp TPHCM”.
Trong thời gian chờ đề án, TPHCM giao TBKTSG tổ chức triển khai thực hiện việc bình chọn các thương hiệu uy tín của sản phẩm, doanh nghiệp TPHCM và công bố vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2020).
Đào Loan