Thương hiệu bị giả mạo trên mạng, đối phó ra sao?

(KTSG) – Tình trạng mạo danh doanh nghiệp nổi tiếng để lừa đảo hay làm giả sản phẩm để bán ngày càng gia tăng trên môi trường mạng Internet. Nếu bị rơi vào tình trạng này, ngoài các biện pháp đối phó thông thường bằng pháp luật, cần áp dụng thêm các biện pháp phát hiện, ngăn chặn và truy vết bằng công cụ online.

Chỉ riêng dữ liệu của dự án chongluadao.vn hiện có tới hơn 17.000 địa chỉ trang web giả mạo, lừa đảo được ghi nhận và danh sách này ngày càng dài thêm. Trước một mê hồn trận mạo danh này, doanh nghiệp cần chủ động “phản pháo” và truy vết vì trên môi trường online, việc phản ứng càng sớm, càng nhanh thì càng giảm được thiệt hại cho thương hiệu.

Giả mạo cả Apple tuyển kỹ sư
Trong vài năm gần đây, tình trạng giả mạo thương hiệu ngày càng táo tợn hơn. Từ chỗ dựng ra những sản phẩm giả hoàn toàn với chiêu bài “bán hàng thật giảm 50% để xin lỗi người tiêu dùng mua phải hàng giả”, những kẻ lừa đảo tiến thêm một bước là mạo danh các thương hiệu có thật, thậm chí rất nổi tiếng để tung ra chương trình giảm giá mạnh nhằm lừa bán sản phẩm, dịch vụ nhái, giả.

Gần đây, nhiều nội dung quảng cáo giả mạo các thương hiệu lớn như Apple đã xuất hiện trên Facebook, LinkedIn rao tuyển hàng chục chức danh kỹ thuật cho nhà máy sắp mở ở Việt Nam với chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Không ít người đã tin đây là quảng cáo thật và nhập thông tin cá nhân chi tiết vào trang web giả mạo để đăng ký tuyển dụng.

Trước đó, nhiều quảng cáo đồng loạt xuất hiện trên Facebook giả mạo các thương hiệu lớn như Marshall, Samsung… giới thiệu “chương trình bán hàng giảm giá 50% với số lượng hạn chế”. Một số người tưởng đây là thông tin thật đã đăng ký mua và nhận được hàng nhái, hàng giả.

Làm sao để phát hiện và ngăn chặn?
Quy trình phát hiện thương hiệu doanh nghiệp hay sản phẩm bị giả mạo, mạo danh trên mạng bắt đầu từ việc thu thập thông tin, sau đó là báo cáo ngăn chặn song song với truy vết điểm xuất phát thông tin.

Bước đầu tiên là rà quét thu thập thông tin liên quan đến thương hiệu, tên sản phẩm thông qua các từ khóa. Nếu có đủ điều kiện tài chính thì doanh nghiệp có thể thuê các dịch vụ theo dõi mạng xã hội (social monitoring, social listening) và cả các nguồn khác như trang web, forum. Dịch vụ này cung cấp các công cụ rà quét và thu thập dữ liệu trên Internet theo những từ khóa đã được xác định trước, từ đó phát hiện ra các nội dung, thông tin liên quan đến thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp.

Dịch vụ theo dõi mạng xã hội (social monitoring, social listening) ra đời với chức năng ‘lắng nghe’ cộng đồng mạng xã hội đang nói gì về thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ trên các nền tảng mạng xã hội. (ảnh minh họa)

Nếu không có đủ nguồn lực sử dụng dịch vụ chuyên biệt thì nhân viên doanh nghiệp có thể rà soát thông tin trên các mạng xã hội phổ biến như Zalo, TikTok, Facebook, Instagram, X (Twitter), YouTube, LinkedIn… bằng công cụ tìm kiếm Google và công cụ tìm kiếm nội bộ các nền tảng này với từ khóa liên quan đến thương hiệu, sản phẩm.

Mục đích của việc làm này là tìm ra càng nhiều càng tốt các địa chỉ liên quan đến việc giả mạo vì kẻ mạo danh thường không tạo ra một trang web hay trang Facebook, kênh YouTube mà thường sẽ tạo đồng loạt nhiều trang web, nhiều kênh mạng xã hội.

Dữ liệu thu thập qua các kênh online này được tổng hợp thành những thông tin hữu ích và có giá trị, không chỉ để bảo vệ thương hiệu mà còn giúp doanh nghiệp hiểu hơn về nhu cầu, thiện cảm của người tiêu dùng để cải tiến sản phẩm.

Sau khi rà soát lập danh sách các địa chỉ nhái, giả mạo sản phẩm, thương hiệu thì doanh nghiệp chuyển qua bước tiếp theo là báo cáo vi phạm thông qua các kênh của doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội và cơ quan quản lý nhà nước. Một bước cũng quan trọng không kém liên quan đến việc báo cáo này là thu thập bằng chứng gồm các ảnh chụp màn hình có đủ đường link trang web, tài khoản mạng xã hội và có thể lập vi bằng để dùng cho việc khởi kiện về sau. Cần có ghi chú, mô tả kèm theo các ảnh chụp màn hình tất cả thông tin liên quan đến việc giả mạo.

Việc truy vết thông tin giả mạo, mạo danh cần làm ngay khi phát hiện để doanh nghiệp thu thập chứng cứ dùng làm thông tin cảnh báo giả mạo. Thông tin cảnh báo giả mạo cần làm ngay và liên tục cập nhật. Thông tin chống giả mạo bao gồm đường link, hình chụp trang web, trang mạng xã hội và nội dung đính chính, chẳng hạn như doanh nghiệp không có chương trình khuyến mãi hay sản phẩm, dịch vụ mà kẻ giả mạo đang rao.

Cùng lúc với phát thông tin cảnh báo giả mạo đến người tiêu dùng, doanh nghiệp cần truy vết các địa chỉ phát tán thông tin mạo danh mình thông qua việc cung cấp thông tin các trang web giả mạo. Cũng có trường hợp kẻ mạo danh dùng tên miền quốc tế (.com, .net…) và dùng dịch vụ ẩn thông tin chủ sở hữu tên miền. Tuy nhiên, dù ẩn thông tin hay không thì thông tin chủ sở hữu tên miền “không chính chủ” luôn luôn là bằng chứng rõ ràng để doanh nghiệp đưa vào nội dung cảnh báo.

Ngoài việc tự đăng trên các trang web, mạng xã hội do mình quản lý, nếu có điều kiện doanh nghiệp nên dành ra một khoản ngân sách để chạy quảng cáo trực tuyến nội dung cảnh báo. Cần nghiên cứu phạm vi và từ khóa của quảng cáo của các trang web mạo danh để thiết lập chương trình quảng cáo để cảnh báo người tiêu dùng kịp thời trên các nền tảng mà quảng cáo mạo danh xuất hiện.