(TBKTSG) – Trong tình hình kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều thị trường đóng băng do tác động của đại dịch Covid-19, TPHCM đã vượt qua năm 2020 với tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tăng 1,39% so với năm 2019. Kinh nghiệm vượt “bão Covid” cùng với thực lực của một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước sẽ là động lực để kinh tế thành phố tăng tốc trong thời gian tới.
Một hội chợ kích cầu tiêu dùng tại TPHCM. Ảnh: THÀNH HOA
Khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng
TPHCM đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, tài chính, thương mại của khu vực với những trụ cột như tài chính, công nghiệp, thương mại, du lịch. Những trụ cột này là động lực cho sự tăng trưởng của kinh tế thành phố.
Trong năm qua, dù chịu tác động nặng nề của đại dịch nhưng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) vẫn đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tăng 1,39% so với năm 2019. Trong đó, khối công nghiệp đạt 268.869 tỉ đồng, tăng 0,47% và chiếm 19,5%; thương nghiệp bán buôn, bán lẻ đạt 215.851 tỉ đồng, tăng 6,64%, chiếm 15,7%… Có thể nói đây là mức tăng trưởng cao so với tình hình chung của thế giới. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm 4,9%. Mỹ âm 8%, khu vực sử dụng đồng euro âm 10,2%.
Công nghiệp và thương nghiệp vẫn tiếp tục giữ vị trí quan trọng, duy trì tỷ lệ đóng góp hơn 35% vào GRDP; mảng tài chính – ngân hàng đóng góp 8,7%…
Điều đáng mừng là trong năm qua sức tiêu thụ hàng hóa của thị trường vẫn duy trì mức cao, tăng đến 11,9%, tạo điểm tựa để duy trì sự ổn định cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu gồm điện tử (nơi thị trường tiêu thụ nội địa chiếm 35%); hóa dược – cao su – nhựa (chiếm 92%); chế biến lương thực, thực phẩm (chiếm 54%) và cơ khí (chiếm 57%).
Hệ thống bán lẻ ổn định, đa dạng cùng với sự tiếp sức của thương mại điện tử đã trở thành bệ đỡ cho cả khu vực dịch vụ. Đây cũng là mảng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất trong năm 2020, với 418 dự án, trị giá 233,2 triệu đô la Mỹ.
Hệ thống phân phối phát triển đa dạng với 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng tiện lợi, hỗ trợ rất lớn cho sự phát triển của ngành thương mại. Số lượng doanh nghiệp thành phố tham gia vào hoạt động thương mại – dịch vụ rất đông, với hàng loạt tên tuổi lớn như hệ thống siêu thị Co.opmart, Ngân hàng Vietcombank, VietinBank…, công ty du lịch Saigontourist, Bến Thành Tourist… Những doanh nghiệp này không những giúp TPHCM có thêm thương hiệu mạnh mà bằng sự năng động, sáng tạo để chuyển hướng kinh doanh theo tình hình thị trường và tình hình dịch bệnh, đã đóng góp lớn cho kinh tế TPHCM, đặc biệt là trong năm qua.
Du lịch cũng là lĩnh vực được thành phố đẩy mạnh. Trong những năm gần đây, TPHCM đã liên kết với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, năm tỉnh vùng Ðông Nam bộ và một số địa phương khác. Điều này không những giúp TPHCM có thêm nguồn khách từ các tỉnh, thành mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng kết nối để làm phong phú thêm sản phẩm cho du khách trong và ngoài nước. Nguồn du khách đến với TPHCM cũng chính là nguồn khách – thị trường cho các lĩnh vực công thương, đặc biệt là các hoạt động thương mại dịch vụ.
Chuẩn bị tăng tốc
Thống kê cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động của phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ trong nước là 68,4%. Hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp. Trước thực trạng đó, Sở Công Thương nhận thấy cần phải tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, gia tăng sức mua… đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, sáng tạo trong điều kiện khó khăn để cùng đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng bền vững.
Sở Công Thương chuẩn bị thực hiện hàng loạt hoạt động với mục đích này. Trong đó, sẽ tiếp tục cùng thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19, chủ động đề nghị doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường để vừa chống dịch vừa đảm bảo đầy đủ lương thực thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho người dân.
Sở cũng tăng cường hỗ trợ và có những chương trình đẩy mạnh sự phát triển hơn nữa của lĩnh vực thương mại điện tử trong thời gian tới. Đây không chỉ được xem là lĩnh vực kinh doanh tiềm năng mà còn là môi trường giao dịch năng động và hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành bán lẻ phát triển.
Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp như kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ; thực hiện các chương trình hỗ trợ hồi phục sản xuất kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường, đeo bám thực thi các chủ trương chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách giảm 50% tiền thuê sạp cho các tiểu thương chợ truyền thống trên địa bàn thành phố trong thời gian sáu tháng.
Thêm vào đó còn là các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố; xây dựng, triển khai thực hiện chương trình phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành những thương hiệu mạnh, gia tăng vị thế của thương hiệu Việt, thương hiệu TPHCM trên thị trường quốc tế; góp phần gia tăng giá trị mặt hàng xuất khẩu.
Thành phố là địa phương có độ mở lớn về kinh tế, với tổng kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu của TPHCM trong năm 2020 đạt gần 44 tỉ đô la Mỹ, tăng 4% so với năm 2019. Do đó, sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố phụ thuộc rất nhiều vào sự tái khởi động của xuất khẩu. Sở sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong đánh giá tình hình thị trường thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chủ lực trong thị trường xuất khẩu.
Sở cũng sẽ phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xây dựng chương trình kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; triển khai các chương trình tổng thể xúc tiến công thương như chương trình khuyến mại tập trung năm 2021, hội nghị kết nối cung – cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố năm 2021; triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu năm 2020…
Bên cạnh công tác đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn do tác động của dịch Covid-19, bắt đầu từ năm 2020, định kỳ hàng năm, TPHCM tổ chức bình chọn Giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM nhằm ghi nhận và tôn vinh các thương hiệu tiêu biểu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có nhiều nỗ lực và thành công trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm/dịch vụ, góp phần hình thành các thương hiệu mạnh TPHCM.
Từ chương trình này, sở cũng triển khai kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt giải thưởng năm 2020 thông qua các hoạt động hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để giúp các thương hiệu này vươn tầm quốc tế. Đây cũng là hoạt động đặc biệt trong chuỗi những hoạt động mà ngành công thương thực hiện để đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế TPHCM.
Để tạo lực đẩy cho kinh tế thành phố phát triển mạnh, nhanh nhưng bền vững trong thời gian tới, ngành công thương sẽ tập trung xây dựng và thực hiện đồng bộ các kế hoạch, chương trình cùng các giải pháp đột phá. Đặc biệt, sở sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu như xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và những lĩnh vực kinh doanh là xu hướng thay thế các phương thức kinh doanh truyền thống.
Song song đó là việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, sôi động cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp sáng tạo và phát triển ngay trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp trên thế giới.