Từ vốn trí tuệ cho đến tài sản trí tuệ. Nếu như trước đây, tài sản hữu hình chiếm phần lớn giá trị của doanh nghiệp, thì hiện nay, trong nền kinh tế tri thức, các chuyên gia đều cho rằng các chính vốn trí tuệ lại quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp.
Vốn trí tuệ (intellectual capital) là gì? Đây là một khái niệm khá mới mẻ, ra đời ở các nước phát triển từ khoảng hơn hai mươi năm nay, sau khi nhiều chuyên gia nhận thấy rằng trong nhiều trường hợp, giá trị thị trường của doanh nghiệp (market value) lại cao hơn hẳn giá trị ghi trên sổ sách (book value).
Sự chênh lệch này được giải thích bằng khái niệm “vốn trí tuệ” – được coi là tổng hợp của kiến thức, tài sản trí tuệ cũng như kinh nghiệm, bí quyết và các tài sản vô hình khác mà tạo ra giá trị cho doanh nghiệp ở hiện tại và trong tương lai. Cụ thể, sự tồn tại của vốn trí tuệ được thể hiện qua giá trị , năng lực con người, cấu trúc tổ chức, quyền sở hữu trí tuệ, uy tín trên thị trường… của doanh nghiệp. Tất cả các yếu tố này có thể được sử dụng để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp cần có chiến lược quản trị vốn trí tuệ phù hợp để vừa phát triển, vừa khai thác và khám phá nguồn vốn này của doanh nghiệp.
Trong “vốn trí tuệ”, có thể nói nhãn hiệu là một yếu tố chủ chốt. Đây chính là một tài sản trí tuệ đặc biệt không thể thiếu của doanh nghiệp. Một mặt, nhãn hiệu thu hút sự chú ý của khách hàng, làm khách hàng có thể phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Một chuyên gia kinh tế người Pháp đã phát biểu rằng “trước những năm 1980, người ta tìm cách mua lại những nhà máy sản xuất sô-cô-la hay mì. Giờ đây, người ta chỉ tìm cách mua Kit-Kat (một nhãn hiệu bánh bọc sô-cô-la) hay Buitoni (một nhãn hiệu mì nổi tiếng thế giới). Trong trường hợp thứ nhất, người ta muốn sở hữu một cơ sở sản xuất. Trong trường hợp thứ hai, người ta muốn mua một phần « tâm hồn » của người tiêu dùng” . Mặt khác, nó còn có tác dụng thu hút đối tác, đầu tư cũng như góp phần tạo động lực làm việc cho nhân viên doanh nghiệp.
Làm thế nào “định giá” nhãn hiệu ? Doanh nghiệp cần phải hiểu giá trị nhãn hiệu cũng như phải biết cách xác định giá trị của nhãn hiệu. Khi mới đăng ký bảo hộ, rõ ràng là nhãn hiệu chỉ có giá trị tương ứng với chi phí đăng kí bảo hộ và thiết kế nhãn hiệu, nhưng cùng thời gian, giá trị nhãn hiệu tăng lên nhờ vào sự thành công của sản phẩm, dịch vụ gắn liền, cũng như nhờ vào quảng cáo hay nhờ vào các hoạt động giao dịch. Việc định giá nhãn hiệu là đặc biệt quan trọng khi chuyển nhượng, nhượng quyền thương hiệu hay khi niêm yết công ty trên thị trường chứng khoán. Trong một số trường hợp, định giá nhãn hiệu là cần thiết cho việc làm báo cáo tài chính, hay làm các thủ tục thuế. Ví dụ như ở các nước áp dụng Bộ Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IAS-IFRS), hàng năm các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán phải làm báo cáo tài chính trong đó bao gồm giá trị nhãn hiệu thuộc sở hữu công ty.
Khi phải định giá nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ cần sự trợ giúp của các chuyên gia về định giá nhãn hiệu cũng như kiểm toán. Đầu tiên, các chuyên gia phải tìm hiểu nhãn hiệu được bảo hộ hay không, được bảo hộ ở những đâu, trong nước hay ở nước ngoài, liệu có những đăng ký bảo hộ nào trước đó có thể gây cản trở cho việc bảo hộ nhãn hiệu hay không, giải pháp có thể sử dụng để bảo hộ nhãn hiệu… Tất cả những yếu tố pháp lý này đều có tác động tới giá trị nhãn hiệu. Ngoài ra, để đánh giá giá trị nhãn hiệu, các chuyên gia sẽ phải dựa vào các thông tin thương mại, kế toán, tài chính… liên quan đến nhãn hiệu. Dựa trên các thông tin này, các chuyên gia sẽ thực hiện việc định giá nhãn hiệu. Có nhiều phương pháp định giá nhãn hiệu khác nhau được sử dụng trên thế giới. Ví dụ như phương pháp tiếp cận theo thị trường (market-based method) ước lượng giá trị thương hiệu bằng cách phân tích các giá trị chuyển nhượng của các nhãn hiệu khác tương đương trên thị trường. Phương pháp tiếp cận theo chi phí (cost-based method) thì định giá nhãn hiệu dựa trên tính toán các chi phí tích lũy trong việc xây dựng thương hiệu kể từ khi bắt đầu. Phương pháp tiếp cận theo thu nhập (income method) lại định giá nhãn hiệu dựa trên việc đánh giá lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể thu được trong tương lai nhờ vào sử dụng nhãn hiệu (ví dụ như dựa trên phí nhượng quyền mà chủ nhãn hiệu có thể được hưởng nếu như nhượng quyền nhãn hiệu). Để giúp định giá nhãn hiệu một cách chính xác, nhiều phương pháp nói trên có thể được áp dụng đồng thời.
Xin bổ sung là giá trị của nhãn hiệu nằm trong giá trị của thương hiệu. Cụ thể, giá trị thương hiệu bao gồm giá trị nhãn hiệu tổng hợp với các yếu tố khác như giá trị uy tín, mô hình kinh doanh… của doanh nghiệp. Trên thế giới, hàng năm đều có các bảng xếp loại thương hiệu giá trị hàng đầu thế giới. Ví dụ như theo danh sách của Forbes về 100 thương hiệu đắt giá nhất thế giới năm 2020, 5 thương hiệu dẫn đầu hiện nay vẫn là Apple, Google, Microsoft, Amazon, và Facebook.
Thực tiễn Việt Nam. Dưới góc độ pháp lý, nhãn hiệu là một “tài sản” của doanh nghiệp. Cụ thể, luật Việt Nam quy định rằng “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” (điều 105 BLDS 2015) đồng thời định nghĩa quyền tài sản là “quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác” (điều 115 BLDS 2015). Ở Việt Nam, vấn đề xác định giá trị nhãn hiệu ở Việt Nam không còn là mới mẻ. Đặc biệt, kể từ năm 2014, hoạt động định giá nhãn hiệu trở nên phổ biến hơn khi điều 34 Luật Doanh nghiệp quy định tài sản góp vốn doanh nghiệp có thể là “quyền sở hữu trí tuệ”, bao gồm nhãn hiệu. Liên quan tới vấn đề định giá nhãn hiệu, trước đây, một số thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính chỉ đề cập tới phương pháp tính chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra để có được nhãn hiệu, nhưng từ Thông tư 06/2014/TT-BTC thì các phương pháp khác đã được đưa vào, giúp hướng dẫn định giá chính xác hơn.
Cho dù luật pháp Việt Nam quy định rằng tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp có thể được các thành viên, cổ đông sáng lập tự định giá theo nguyên tắc nhất trí nhưng tốt nhất là việc định giá nên được thực hiện bởi một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp, để tránh tình trạng định giá sai, dẫn tới việc bị “đẩy giá” hoặc “ép giá” nhãn hiệu.
TS. Lê Thị Thiên Hương