Nhãn hiệu năm Quý Mão 2023 sẽ theo ‘trend’ thế nào?

(KTSG) – Việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu NFT của các công ty hiện nay không còn chỉ là một trò tiếp thị. Theo xu hướng điều chỉnh từ USPTO, các công ty phải sử dụng nhãn hiệu NFT của họ trong ứng dụng, dù vậy diễn giải cho “actual use” (việc thực sự sử dụng) và “evidence of use” (chứng cứ sử dụng) của nhãn hiệu NFT còn để bỏ ngỏ và có nhiều điều cần bàn.

Các luật sư về sở hữu trí tuệ tại Mỹ cho biết trong khi nhiều người có thể nghĩ rằng các tập đoàn lớn chỉ đang bắt kịp xu hướng NFT như một điều mới lạ hay dùng nó như một phương thức tiếp thị thuần túy, thì sự thực là, tại Mỹ, các công ty “không thể” đăng ký nhãn hiệu mà không có ý định sử dụng nó. Và mặc dù chi phí nhà nước cho việc nộp đơn đăng ký không quá lớn – dao động từ 250-350 đô la Mỹ cho mỗi loại hàng hóa/dịch vụ khi một công ty nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mới, hồ sơ hoàn chỉnh yêu cầu người nộp đơn tuyên thệ rằng người nộp đơn có ý định “thực sự” sử dụng nhãn hiệu chứ không phải đăng ký mang tính tượng trưng hay chỉ sở hữu đơn thuần mà không sử dụng.

Với xu hướng bùng nổ của thế giới kỹ thuật số và thế giới ảo meta mới, năm 2023 đã chứng kiến một loạt công ty lớn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến NFT và điều này đã thu hút sự chú ý của công chúng. “Xu hướng đầu tiên cho năm 2023” là các công ty rượu nộp đơn đăng ký nhãn hiệu NFT. Năm nay đã chứng kiến các hồ sơ mới từ các nhãn hiệu rượu nổi tiếng như Absolut Vodka, rượu whisky Chivas Regal và Malibu Rum. Irish Distillers International, nhà sản xuất rượu whisky Jameson của Ireland, là công ty rượu mới nhất nộp đơn đăng ký nhãn hiệu NFT vào ngày 18-1.

Nếu năm 2022 chứng kiến nhiều lĩnh vực nộp đơn đăng ký nhãn hiệu NFT, từ cửa hàng tạp hóa, nhãn hiệu thức ăn cho vật nuôi, đội thể thao và giải đấu đến thành phố, sòng bạc và thậm chí cả chương trình trò chơi, thì năm 2023 chứng kiến sự gia tăng về số lượng hồ sơ nộp vào kèm sự mở rộng của nhãn hiệu NFT trong nhiều ngành nghề khác nữa.

Thị trường nhãn hiệu NFT và ngành công nghiệp metaverse năm 2023 có xu hướng trở thành tâm điểm của sự quan tâm của một số thương hiệu thời trang và xa xỉ. Rolex – công ty đồng hồ nổi tiếng toàn cầu – đã nộp đơn đăng ký nhiều nhãn hiệu liên quan đến NFT cùng với một nhãn hiệu cho sàn giao dịch tiền điện tử. Các “đại gia” đồ thể thao nổi tiếng như Reebok, Nike và Adidas cũng có động thái tương tự. Nike đã khởi động một liên doanh metaverse có tên là .Swoosh, một nền tảng hỗ trợ Web3 nơi khách hàng có thể mua và bán các sản phẩm ảo. Theo báo cáo, nền tảng này ban đầu sẽ xem xét việc xây dựng cộng đồng trong khi tổ chức buổi ra mắt bộ sưu tập ảo đầu tiên của công ty – bao gồm giày dép, quần áo và phụ kiện – vào khoảng tháng 1-2023 này. Khi ra mắt, nền tảng này sẽ chỉ cho phép sử dụng tiền mặt, không phải tiền kỹ thuật số, với tất cả các giao dịch được ghi lại trên chuỗi khối Polygon. Và những cửa hàng mua sắm hay đặt bộ sưu tập trên nền tảng meta đều cần phải đăng ký nhãn hiệu ảo cho sản phẩm hay dịch vụ của họ.

Không chịu đi sau Nike, Adidas đã phát hành một dòng thiết bị ảo mới vào năm ngoái cùng với một công cụ mặc quần áo cho hình ảnh đại diện cho phép các hình đại diện từ các bộ sưu tập đối tác chẳng hạn như Câu lạc bộ Du thuyền Bored Ape, mặc quần áo thiết kế của Adidas khi dùng thiết bị của họ, đương nhiên việc đăng ký nhãn hiệu và thậm chí là cả sáng chế cho những phát minh này của Adidas là ưu tiên đầu tiên của tập đoàn. Reebok đã nộp nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ cho nhiều loại quần áo ảo, bao gồm giày dép, mũ nón và dụng cụ thể thao.

Chúng ta không thể không thừa nhận đây là xu hướng đang lên và sẽ được khuếch đại nhanh chóng, số liệu nói lên điều đó: không có đơn đăng ký nhãn hiệu nào tại Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ (USPTO) cho NFT vào năm 2020. Tuy nhiên, tới đầu năm 2023, đã có 2.023 đơn đăng ký mới. Phần lớn số đơn đăng ký này thuộc về các thương hiệu lớn, thương hiệu toàn cầu, hay thương hiệu nội địa có tiếng. Tuy nhiên, việc chạy theo xu hướng – hay “đu trend” như cách nói thời thượng bây giờ – cần được xem xét cẩn trọng và tính toán đối chiếu với nhu cầu thực tế của các công ty, không phải công ty nào cũng cần nhãn hiệu NFT, việc đăng ký và duy trì loại nhãn hiệu này ở nhiều quốc gia có thế gây khó khăn cho túi tiền của công ty đồng thời gặp trở ngại cho phần lớn các quốc gia chưa thích ứng với NFT nhanh như văn phòng nhãn hiệu của USPTO ở Mỹ hay văn phòng nhãn hiệu của châu Âu. Sự chưa thống nhất hoặc thậm chí chưa thành hình của luật pháp điều chỉnh loại nhãn hiệu này có thể khiến các công ty đau đầu và sa lầy trong sai lầm của việc đăng ký; Khi một khái niệm mới như NFT xuất hiện, có thể mất thời gian để các nhà lập pháp ở các quốc gia có được các mô tả phù hợp nhất và thống nhất nhất.

Vậy nên, để có thể đăng ký và duy trì nhãn hiệu NFT mượt mà nhất, các công ty nên xin ý kiến của chuyên gia sở hữu trí tuệ về lĩnh vực này, đồng thời các công ty cần cân nhắc xem có nên đăng ký ở thời điểm hiện tại hay không, việc có nhãn hiệu NFT có giúp công ty có được sự hiện diện tốt hơn trong mắt công chúng, người mua, hay đối tác hay không.

Xu hướng không thể đẩy lùi này của việc đăng ký nhãn hiệu NFT đang tạo nhiệt và lan ra toàn cầu. Việc bắt kịp xu hướng đăng ký của các công ty, đặc biệt là các công ty kinh doanh sử dụng thế giới số và thế giới ảo Meta, cũng thể hiện xu hướng phát triển chung của thế giới: tiến sâu hơn vào thế giới ảo cũng như kinh doanh trong thế giới này. Năm Quý Mão đã khởi động và sẽ chứng kiến nhiều bước ngoặt mới trong xu hướng phát triển của nhãn hiệu nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung.

(*) Văn phòng luật sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, Manhattan, New York.