(KTSG Online) – Ngành du lịch TPHCM đang trong chuỗi ngày đầy khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn bắt đầu thực hiện chuỗi hoạt động hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, một nơi có thế mạnh về ngành công nghiệp liên quan đến dịch vụ khách hàng (hospitality).
Chuyển động trong mùa dịch
TPHCM là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước. Lượng khách quốc tế đến thành phố thường chiếm khoảng 50% số khách của các nước. Đây cũng là nơi luôn đứng trong tốp các địa phương dẫn đầu về số lượng khách sạn và công ty lữ hành. Hầu hết các công ty lữ hành lớn của cả nước đều có trụ sở tại TPHCM.
Vấn đề về xây dựng thương hiệu cho du lịch thành phố để tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trên thị trường quốc tế đã được bàn từ hơn chục năm trước nhưng đến nay mới bắt đầu có những chuyển biến mạnh mẽ.
Cuối tháng 11-2020, trong hội nghị du lịch toàn quốc tại tỉnh Quảng Nam, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TPHC, cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã thông qua Chiến lược Phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, đưa TPHCM trở thành một đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á.
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố tính đến chuyện đa dạng hóa sản phẩm du lịch nội địa, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của các dịch vụ du lịch. Song song đó, các hoạt động quảng bá, tiếp thị tại thị trường trong nước và quốc tế cũng được đẩy mạnh.
Sở Du lịch đang thực hiện chiến dịch tiếp thị “Thành phố Hồ Chí Minh Xin chào – Hello Ho Chi Minh City”, với logo nhận diện, bộ ảnh đẹp về cảnh quan, văn hóa, đời sống và con người thành phố với hình thức bưu thiếp, cẩm nang du lịch bằng tiếng Việt – tiếng Anh và một số hoạt động nâng chất sản phẩm du lịch hiện hữu như du lịch y tế, du lịch đường thủy, du lịch lịch sử…
Trong giai đoạn 1, kéo dài đến hết tháng 1-2021, thành phố sẽ tập trung vào thông điệm hấp dẫn, thân thiện và an toàn gắn với 5 giá trị bản sắc thương hiệu là hướng về tương lai, cởi mở, trẻ trung, sắc màu và hứng khởi.
Giai đoạn 2 sẽ công bố bộ nhận diện chính thức của du lịch TPHCM, tổ chức các hoạt động liên kết, quảng bá ở trong nước và quốc tế.
Trao đổi với KTSG Online, bà Võ Thị Ngọc Thuý, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết cùng với hoạt động tiếp thị thì khâu xây dựng sản phẩm và dịch vụ cũng đang được ráo riết chuẩn bị để TPHCM thực sự sống động và chuyên nghiệp hơn trong ngành dịch vụ khách hàng.
TPHCM có rất nhiều sản phẩm du lịch nhưng cần hoàn thiện hơn nữa. Chẳng hạn, cơ quan quản lý du lịch tính đến việc phát triển những “phố nghề” xung quanh Phố đi bộ Nguyễn Huệ để du khách không chỉ đến phố này dạo chơi mà còn có thể tham quan, trải nghiệm những nghề đặc trưng của người dân đô thị.
Cần ‘bàn tay thép” và chiến lược dài hơi
Nhiều ý kiến cho rằng, tuy có lợi thế là vị trí cửa ngõ quốc tế và trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước cùng nguồn lực lớn về dịch vụ du lịch nhưng TPHCM vẫn chưa thể cạnh tranh ngang ngửa với các điểm đến trong khu vực như Singapore, Bang Kok, Hong Kong thì TPHCM.
Vì thế, để thực hiện được mục tiêu trở thành điểm đến sống động hàng đầu châu Á, thành phố cần phải có chiến lược dài hơi cùng những hành động quyết đoán và phải đầu tư lớn.
Với du khách, một đô thị sống động để ghé thăm không đơn giản chỉ là nơi có nhiều lễ hội, sự kiện hay được quảng bá hay mà còn phải đáp ứng tiêu chí như dễ tiếp cận; có hệ thống cơ sở hạ tầng chung cũng như hạ tầng dịch vụ cho du lịch đa dạng, có chất lượng cao… Điều này, thành phố chưa đáp ứng tốt.
“Tuy nói TPHCM là nơi quy tụ các khách sạn, trung tâm hội nghị lớn nhưng nếu khách đòi tổ chức sự kiện cho cỡ 1.000 người là chúng tôi không biết tìm đâu ra khách sạn có đủ chỗ ngủ, chỗ họp. Nhiều đoàn đã phải chia nhỏ ra. Như thế là tiêu chí về chất lượng dịch vụ chưa ổn”, giám đốc một công ty lữ hành nói.
Từ đó, vấn đề đặt ra là phải có “bàn tay thép” để hoạch định chiến lược, chính sách đầu tư, thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư, giúp thành phố sớm hoàn thiện mạng lưới dịch vụ để gia tăng hình ảnh của điểm đến.
Theo ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting, có ba yếu tố liên quan đến phát triển một thương hiệu điểm đến, gồm điểm khác biệt của điểm đến, nhận thức hình ảnh điểm đến và tầm nhìn của tổ chức tiếp thị điểm đến.
Hiện nay, ngành du lịch đang có yếu tố thứ ba còn hai yếu tố còn lại là đặc điểm nguồn lực và đặc tính điểm đến cần phải tính toán kỹ hơn nữa để xem có phù hợp và có cơ sở tạo nên giá trị khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực hay không.
“Định vị thương hiệu điểm đến cần phải đi kèm với kế hoạch cụ thể về những việc cần làm gì để thực hiện được mục tiêu đó. Khi có trong tay những việc cần làm thì phải làm ngay để khâu quảng bá, tiếp thị mang lại hiệu quả cao sau này”, ông nói.
Khánh Lam