(KTSG Online) – Năm 2021 là một năm khó khăn đối với cả nền kinh tế, riêng đối với ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp cho biết có thời điểm dường như đã rơi vào “tuyệt vọng”. Nhưng nhờ những nỗ lực để thích ứng với các đợt giãn cách xã hội kéo dài, tình trạng dứt gãy chuỗi cung ứng, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tốt, ước đạt 39 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Đây có thể xem là một nỗ lực lớn của ngành công nghiệp này trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Theo dòng thời sự, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp dệt may cải tiến nội lực sản xuất” nhằm cung cấp cái nhìn khái quát về những nỗ lực vượt khó của doanh nghiêp trong đại dịch cũng như những đánh giá, góp ý của các chuyên gia về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp hậu đại dịch.
Các diễn giả, gồm PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng Viện ISB, ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, ông Nguyễn Quyết Thắng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 28 và TS. Phạm Thị Hồng Phượng thuộc Đại học Công nghiệp TPHCM – chuyên gia về cải tiến quy trình sản xuất nhà máy công nghiệp, đã chia sẻ các câu chuyện thực tế về khó khăn do thiếu lao động, chi phí tăng cao, những nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng dịch trong sản xuất, cùng những thách thức về tái cơ cấu của doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng Viện ISB, ghi nhận thực tế cho thấy, để khắc phục những khó khăn do nguồn nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp đã chủ động tìm giải pháp để ổn định tình hình sản xuất, sắp xếp lại nguồn lực lao động, chủ động tìm nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm… để chủ động đưa doanh nghiệp của mình vượt qua “cơn bão” Covid-19.
Ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM và ông Nguyễn Quyết Thắng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 28, chia sẻ rằng bên cạnh việc ổn định sản xuất, thì đại dịch Covid-19 cũng đem đến cho doanh nghiệp góc nhìn rõ ràng hơn về việc cần phải thay đổi về cách thức vận hành doanh nghiệp cũng như cải tiến quy trình sản xuất phù hợp với những thay đổi của xã hội. Sự chủ động thay đổi đã giúp doanh nghiệp thích nghi sau những khó khăn chưa từng có tiền lệ mà dịch bệnh đem lại, và cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của toàn ngành dệt may, một ngành sản xuất thâm dụng lao động.
Thay đổi để thích nghi, đầu tư để phát triển, đó là câu chuyện không mới trong chiến lược kinh doanh ở bất kỳ doanh nghiệp nào, tuy nhiên thay đổi ra sao để vẫn ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống người lao động, nâng cao uy tín của thương hiệu cũng là những thách thức không nhỏ đối với toàn ngành dệt may, theo ghi nhận từ TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Trưởng bộ môn Công nghệ hóa học – vật liệu thuộc trường Đại học Công nghiệp TPHCM, một chuyên gia gắn bó lâu năm với quá trình chuyển đổi nâng cao năng suất nơi các nhà máy dệt may.
TS. Phạm Thị Hồng Phượng nhấn mạnh dịch Covid-19 không những đặt ra thách thức mà còn thúc đẩy doanh nghiệp bắt kịp xu hướng hiện nay, đó là tinh gọn sản xuất, gắn kết người lao động tại nhà máy để tăng năng suất và giảm chi phí giá thành sản phẩm; xanh hóa quy trình sản xuất, giảm tác động xấu đến môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Những nỗ lực tự thân đã giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam không dậm chân tại chỗ trong việc thực hiện trách nhiệm với người lao động, cộng đồng và môi trường.
Mời quý độc giả theo dõi tọa đàm tại đây: