(KTSG Online) – Lập nghiệp với quả trứng cách đây hơn 30 năm với mong muốn giải quyết sinh kế cho gia đình, nhưng đến nay, trải qua những biến động kinh tế lẫn những thăng trầm của ngành gia cầm thì nhà sáng lập của Vĩnh Thành Đạt đã lần lượt thực hiện các cuộc cải tiến để đưa thương hiệu vươn tới giá trị bền vững trên thị trường.
Trong câu chuyện chia sẻ với KTSG Online nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V-Food) cho rằng những thành công doanh nghiệp đạt được là kết quả của quá trình nỗ lực, sự đúc kết kinh nghiệm, lòng đam mê và quyết tâm của cả tập thể. Giá trị xuyên suốt của hành trình này chính là hướng về người nông dân, khách hàng một cách chân thành. Đó là sức mạnh để cả ông lẫn doanh nghiệp đối diện và vượt qua các cuộc khủng hoảng một cách tự nhiên.
Gần 30 năm trước, khi đang là sinh viên đại học năm thứ 3 ngành tài chính, trong những lần về thăm quê, chứng kiến cảnh gia đình thu gom trứng gia cầm bán lại cho thương lái chịu nhiều thiệt thòi về giá, ông Thiện đã suy nghĩ: làm thế nào bỏ đi phương pháp làm truyền thống đã tồn tại bấy lâu, khi mà chính những người một nắng hai sương để làm ra quả trứng lại luôn là phía phải gánh chịu thiệt thòi.
Để trả lời cho câu hỏi này, một sinh viên sau nhiều lần phân phối trứng nhỏ lẻ đã chính thức thuê mặt bằng làm cơ sở kinh doanh sau khi ra trường một vài năm (1996). Nhưng kinh doanh chưa lâu, dịch cúm gia cầm (2022) khiến các doanh nghiệp lao đao và cơ sở kinh doanh trứng của ông Thiện cũng trong tình cảnh tương tự. Đến cuối năm 2003, Công ty Vĩnh Thành Đạt được thành lập để có điều kiện thực hiện các yêu cầu của Sở Thú y TPHCM và trở thành đơn vị đầu tiên tại TPHCM được kinh doanh trứng gia cầm trở lại.
“Việc thành lập Vình Thành Đạt gần như mở ra một chương mới sau cuộc một thời gian lao đao, gần như mất trắng vì dịch cúm gia cầm. Với pháp nhân mới, trong gần 1 năm trời, chúng tôi trở thành nhà cung cấp duy nhất cho các siêu thị. Nhân viên trong công ty làm việc cả ngày lẫn đêm vẫn không đủ hàng cung cấp”, ông Thiện nhớ lại.
Tuy nhiên đến những năm 2005-2008, các tập đoàn nước ngoài cấp tập đầu tư đã làm “đảo lộn” ngành chăn nuôi Việt Nam. Hàng loạt trang trại chăn nuôi gia cầm công nghiệp nhỏ lẻ, quy mô dưới 5.000 con có nguy cơ phá sản hàng loạt vì không thể cạnh tranh với các trang trại lớn của doanh nghiệp FDI.
Với sự nhạy cảm của một người chuyên đi thu gom và phân phối trứng gia cầm, ông Thiện là người khởi xướng để các hộ nông dân chuyển đổi chăn nuôi từ gà công nghiệp sang gà ác, gà ta để tránh đối đầu trực tiếp. Để tạo niềm tin cho nông dân – đối tác chính của công ty, năm 2010, Vĩnh Thành Đạt chính thức tham gia đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, song song với việc bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân để phân phối.
Thành công này cho phép ông Thiện dấn thêm bước nữa là phát triển tổng đàn vịt nhằm tăng sản lượng trứng. Để thực hiện, ông Thiện đã bàn bạc với một số đối tác thử nghiệm mô hình trang trại chăn nuôi vịt bán công nghiệp, thay cho cách nuôi truyền thống là thuê ruộng để thả vịt chạy đồng.
Với 5 hecta đất tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, công ty đã đầu tư một trang trại khép kín, nuôi thử nghiệm 20.000 con vịt. Kết quả, sản lượng trứng tăng tới 20%, chất lượng trứng vượt trội, công ty hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh, mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng. Theo ông Thiện, đây mới chỉ là phép thử trong suốt 5 năm vì chưa có ai làm. Làm thế nào để thuyết phục được người dân cùng tham gia, nhân rộng được mô hình mới có thể xem là thành công.
“Thành công bước đầu của tôi chính là giúp người dân có được “của ăn, của để”, điều quan trọng là họ phải làm chủ ngay chính trên đồng ruộng của họ, thay vì phải cho thuê hoặc bán đi để lấy tiền sinh sống. Hội nhập sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh, song cũng mang lại nhiều cơ hội để phát triển. Tôi thấy mình hạnh phúc khi cùng họ đưa quả trứng từ ruộng đồng đến siêu thị thậm chí ra đến thế giới một cách hoàn hảo thông qua những giá trị bền vững”, ông Thiện cho hay
Vẫn gắn liền với quả trứng nhưng việc đi đến tận cùng giá trị của nó luôn là mong mỏi của doanh nhân miền Tây này sau khi những bài toán về đầu vào và đầu ra được giải quyết. Một cuộc cách mạng mới cho quả trứng Việt lại được khởi xướng. Một thế giới mới cho quả trứng lại mở ra với các sản phẩm chế biến sâu lên kệ siêu thị và tiến ra nước ngoài.
Khởi sự với quả trứng tươi, ông Thiện đã giành nhiều thời gian và tâm huyết để đảm bảo chất lượng của từng quả trứng tới người tiêu dùng. Trứng tươi của V.Food dùng các loại vỉ giấy, bao bì bằng mây tre lá thiên nhiên, được sử dụng năng lượng mặt trời để làm ấm nước rửa trứng, đáp ứng đòi hỏi của khách hàng quốc tế.
Đều đều sản lượng 700.000 đến 1 triệu quả trứng tươi mỗi ngày, nhưng hạn sử dụng loại trứng này lại khá ngắn, khó vận chuyển, khó bảo quản. Từ thực tế đó, người đàn ông sắp ngũ tuần đã quyết tâm tạo ra sản phẩm trứng chế biến sẵn vừa giúp tạo kênh tiêu thụ mới, vừa bao tiêu sản phẩm cho các trại chăn nuôi đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng cho quả trứng với giá thành tốt nhất.
Vậy là, trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu, trứng vịt muối ăn liền, trứng bắc thảo,… đã ra đời và trở thành những sản phẩm thành công của Vĩnh Thành Đạt cho đến thời điểm này. Một năm trở lại đây, dòng sản phẩm trứng tiềm V.Food tăng trưởng rất tốt, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 20.000 quả. Nhiều đối tác còn đặt vấn đề đưa sản phẩm của Vĩnh Thành Đạt ra nước ngoài thông qua hệ thống cửa hàng của họ.
Với trứng tươi, thị trường hiện nay gần như bão hòa. Chế biến trứng gia cầm là lĩnh vực mới, ít cạnh tranh hơn và nếu làm tốt, triển vọng tăng trưởng của của doanh nghiệp rất lớn. Doanh nghiệp đang trong bước đầu nỗ lực đưa trứng cút xuất đi Nhật, trứng vịt muối, trứng ăn liền xuất khẩu và tin rằng những sản phẩm này sẽ tăng trưởng rất nhanh. Khi đó sẽ giải quyết được đầu ra cho người nuôi vịt và dễ hướng họ theo mô hình chăn nuôi mới.
Tuy nhiên, chế biến sâu vẫn chưa phải là giới hạn cuối cùng, năm ngoái trứng gà chăn nuôi đạt chuẩn chăn nuôi nhân đạo của thế giới của Vĩnh Thành Đạt được giới thiệu. Cuộc cách mạng này giúp doanh đặt chân vào một địa hạt mới khi người tiêu dùng quốc tế ngày càng quan tâm hơn đến môi trường, phúc lợi động vật. Trứng gà không nuôi nhốt của doanh nghiệp đã có mặt ở chuỗi thực phẩm cao cấp và đang tìm đường đến với các nhà hàng khách sạn năm sao và các thị trường xa hơn.
“Có nhiều cơ hội để chuyển hướng sang các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng lớn hơn nhưng tôi vẫn thấy hạnh phúc với chăn nuôi và chế biến sản phẩm. Đất nước mình là đất nước nông nghiệp, mình đi ra ngoài nói với thế giới là đang làm nông nghiệp thì thật đáng tự hào. Đó là lý do mà 30 năm nay, tôi vẫn đi tìm những cái gì quý nhất, thực nhất và khám phá những giá trị tốt nhất trong giới hạn của quá trứng. Tôi kinh doanh qua sự tìm tòi niềm vui từ quả trứng, niềm vui của người nông dân và tôi vẫn hạnh phúc trên con đường này cho đến nay”, ông Thiện chia sẻ.
Lèo lái doanh nghiệp gần 30 năm đi qua các cuộc khủng hoảng kinh tế lẫn dịch bệnh, ông Trương Chí Thiện cho rằng, để tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay đôi lúc phải bỏ qua những con số và tập trung vào con người.
Ngay từ khi khởi nghiệp với ngành này, chúng tôi chỉ phát triển dựa trên hai tiêu chí là phục vụ người nông dân, khách hàng và giải quyết bài toán kinh tế của gia đình. Điều may mắn là sản phẩm của chúng tôi gần gũi đối với đa số người tiêu dùng nên được đón nhận. Chúng tôi vẫn tiếp tục làm những gì khách hàng và bản thân cần, điều này là động lực lớn để chúng tôi từng bước đi qua khủng hoảng dù có thời điểm gần như là đã bỏ cuộc.
Hơn 30 năm kinh doanh trong ngành hàng trứng gia cầm, ông Trương Chí Thiện tưởng rằng, lần khủng hoảng nặng nề nhất trong sự nghiệp kinh doanh của mình đã xảy ra từ cuối năm 2003, với đại dịch cúm H5N1, khi ông rơi vào cảnh gần như trắng tay vì phát sinh nhiều khoản nợ khó đòi. Nhưng điều đó trở nên không còn đúng khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
“Khủng hoảng năm đó không bằng 1/10 của khủng hoảng Covid-19, khi mà sinh mạng con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết kéo theo sự sợ hãi và nỗi ám ảnh”, ông Thiện cho hay
Thời điểm trước giãn cách, bình quân mỗi ngày có khoảng 700.000 quả trứng mang thương hiệu Vĩnh Thành Đạt được đưa ra thị trường. Con số này đã tăng hơn 300.000 quả trong giai đoạn cao điểm vừa qua. Nhưng điều nghịch lý là, bán càng nhiều, doanh nghiệp lỗ càng lớn vì chi phí tăng quá cao.
Bên ngoài nhà máy, đối tác phân phối thường xuyên khiếu nại; các sở, ban, ngành phàn nàn vì nhận được phản ánh thiếu hàng cục bộ; quá trình lưu thông hàng hoá tại TPHCM và các tỉnh, thành phố thường xuyên ách tắc. Bên trong nhà máy, nhân viên vừa sản xuất, vừa lo lắng về sức khoẻ của người thân ở nhà, hoang mang trước những thông tin trên mạng xã hội…
Đã có ít nhất 3 lần ông Thiện nghĩ đến việc tạm ngừng hoạt động trong giai đoạn thử thách vừa qua… Nhưng mỗi lần muốn đóng cửa, vị doanh nhân này lại nhớ về dịch cúm gia cầm năm 2003, khi chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, làm mất kế sinh nhai của hàng triệu người lao động.
“Các báo cáo về doanh thu, lãi lỗ trong giai đoạn đó chỉ xem cho vui, chứ nếu để tâm thì chắc phải dừng kinh doanh. Trong 30 năm kinh doanh tôi luôn nghĩ rằng thành quả mình nhận được không đơn thuần là ngày một ngày hai, mà đó là việc duy trì sự nghiêm túc trong suốt quá trình phát triển. Nghĩ về một sản phẩm tử tế cho khách hàng, nghĩ về một công việc tử tế cho nhân viên để tạo động lực cho mình. Đó là niềm tin để tôi cố gắng nghĩ về con người nhiều hơn những con số để vượt qua những bối cảnh đặc biệt”, ông Thiện chia sẻ.
Nội dung: Việt Dũng – Hình ảnh: NVCC – Đồ họa: Thu Trang