(KTSG) – Trong quá trình bán hàng, rượt đuổi doanh số đầy áp lực, chuyển đổi công nghệ số, với các công cụ AI phù hợp với doanh nghiệp, đóng vai trò lực đẩy chính.
“Nhìn số mà nói chuyện”, giám đốc kinh doanh một công ty kể lại câu nói mà chủ đầu tư và ban giám đốc công ty thường nói với cô trước mỗi buổi họp. Vị giám đốc cho hay công ty không tiếc tiền để xây dựng đội ngũ tiếp thị, truyền thông số riêng, và thuê công ty tiếp thị số (digital agency) để mua các công cụ và báo cáo lắng nghe mạng xã hội, quảng bá tên tuổi của mình, xem các động tĩnh của đối thủ…
Những công cụ “lạ” với doanh nghiệp Việt
Báo chí và mọi người đã bàn tán rất nhiều về AI trong hơn hai năm qua và đã bắt đầu quen với những ChatGPT, Gemini, hay Copilot và các công cụ khác dùng để tạo hình ảnh hay tranh từ mô tả văn bản, vẽ logo, chỉnh sửa hình ảnh chuyên nghiệp…
“Nhưng đây chỉ là các công cụ cá nhân hóa, khó đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt khi doanh nghiệp cần thông tin thị trường, dữ liệu về khách hàng tiềm năng, hay quản lý hàng hóa theo thời gian thực. Để đi đúng hướng, doanh nghiệp phải đầu tư thời gian nghiên cứu, sẵn sàng chi trả và chọn lọc công cụ phù hợp”, bà Nguyễn Ngọc Trâm từ IPGeekLab phát biểu trong phiên tọa đàm “Sử dụng AI và tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế để vào thị trường nước ngoài” hôm 3-1-2025.
Nhưng AI dành cho doanh nghiệp cũng đang tạo nhiều cách nghĩ khác nhau trong giới doanh nghiệp, điều mà bà Trâm gọi là “sai lầm” bởi cách nghĩ có thể tác động đến các quyết định đầu tư cũng như sử dụng AI ra sao. Bà Trâm chỉ ra đó là cách nghĩ AI: (i) có thể thay thế ngay công việc của một số vị trí việc làm trong đội ngũ nhân sự; (ii) giúp doanh nghiệp bán hàng ngay; (iii) phải áp dụng AI ngay; (iv) sẽ có kết quả ngay lập tức; và (v) AI luôn đúng.
Đại diện IPGeekLab cũng giới thiệu bộ bảy công cụ AI có thể tích hợp vào các nền tảng sẵn có của doanh nghiệp như một công cụ hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ví dụ, chỉ cần một nhân viên bán hàng hay tiếp thị thông thạo tiếng Anh sử dụng seamless.ai để tìm kiếm và xác minh thông tin khách hàng B2B tiềm năng ở Mỹ và toàn cầu. Nền tảng này giúp các doanh nghiệp Việt tìm kiếm thông tin liên hệ chính xác của khách hàng tiềm năng, bao gồm e-mail, số điện thoại và các thông tin khác như chức danh… Tương tự, doanh nghiệp có thể tìm kiếm trên tradewheel.com – sàn giao dịch xuất nhập khẩu B2B toàn cầu – về các đối tác, khách hàng mục tiêu mà không cần phải tham dự các hội chợ quốc tế.
Rồi muốn thuê một địa điểm để mở cửa hàng hay tìm hiểu đối tác tại một địa phương ở nước ngoài đang làm ăn như thế nào, lượng khách đến cửa hàng có đông không, thì doanh nghiệp Việt Nam không cần khảo sát thị trường theo kiểu chúng ta làm lâu nay: đến tận nơi quan sát và đếm khách. Ví dụ ở tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể dùng công cụ Placer AI – nền tảng cung cấp và phân tích dữ liệu tiềm năng thương mại của một địa điểm.
Lợi ích của việc sử dụng các công cụ AI là có thể giảm số lượng rất lớn về nhân sự. Chẳng hạn, một doanh nghiệp quy mô trung bình lớn trước đây cần đến đội ngũ 20 nhân viên để rà soát các điều khoản của hợp đồng, tín dụng thư và công văn khác thì nay chỉ cần hai người. Nhưng hai người này phải thật sự giỏi, có tiếng Anh và sử dụng thành thạo các công cụ AI có trả phí, từ 20 đô la đến khoảng 100 đô la ở mức căn bản cho một doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Trâm cũng có chuyện phải bàn đến khi dùng AI. Rất nhiều trang web hay công cụ AI tạo sinh (GenAI) đều đính kèm câu cảnh báo khi đưa ra kết quả tìm kiếm: “GenAI đang thử nghiệm. Chất lượng thông tin vì thế có thể rất khác biệt”. Bà nói điều này tùy thuộc rất lớn vào cách tạo lệnh (prompt) chuẩn cho AI và AI vẫn là một công cụ hỗ trợ con người làm việc chứ không thể hoàn toàn thay thế con người.
Câu chuyện đường dài
Nhưng sử dụng AI không chỉ đơn giản là cài đặt một phần mềm vì sau đó còn hàng loạt việc khác trong quá trình phân tích nhu cầu kinh doanh, chuẩn bị dữ liệu, và huấn luyện hệ thống. Quá trình này đòi hỏi thời gian và chuyên môn để bảo đảm tìm ra được AI nào phù hợp nhất với mục tiêu của doanh nghiệp. “Lợi ích sử dụng AI phải nằm trong kế hoạch dài hạn, liên tục cải tiến quá trình tích hợp hay nhúng AI vào hoạt động thường ngày của doanh nghiệp”, bà Ngọc Trâm giải thích.
Theo Báo cáo ứng dụng công nghệ trong kinh doanh 2024 khu vực châu Á – Thái Bình Dương do CPA Australia công bố hồi tháng 8-2024, tỷ lệ ứng dụng chiến lược số và AI vào chiến lược chung của doanh nghiệp Việt Nam đạt 74%, cao hơn mức chung 63% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khoảng 46% số doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát nói rằng đã đầu tư cho việc nâng cao năng lực công nghệ của đội ngũ nhân sự, gồm cả hội đồng quản trị, trong khi đó tỷ lệ ở khu vực chỉ 40%.
Bản báo cáo của Microsoft tháng 5-2024 cũng cho kết quả tương tự với 88% giới lao động văn phòng Việt Nam sử dụng các công cụ AI so với tỷ lệ trung bình 75% của thế giới.
Nhưng câu trả lời cho hai từ “thích hợp” (với mục tiêu của doanh nghiệp) và “tích hợp” (ra sao vào nền tảng hiện có của doanh nghiệp sao cho hiệu quả) vẫn là khó với doanh nghiệp Việt Nam, bởi họ phải tự trải nghiệm và quyết định sử dụng công cụ nào để vào được và bán hàng ở thị trường mới.
Chuyển đổi số để giúp bộ máy làm việc doanh nghiệp được tinh gọn, thông suốt và hiệu quả, trong đó giúp ích rất nhiều cho việc hoạch định và quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu hàng thực ra nước ngoài khi mà doanh nghiệp đang bị bủa vây trong vô số International Certification Standards – các tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng trong quá trình chứng nhận, dùng để đánh giá một mặt hàng nào đó có đáp ứng được yêu cầu đầu vào của thị trường nhập khẩu hay không. Để bán được hàng và đạt doanh số như mong đợi, doanh nghiệp Việt Nam bây giờ phải xây dựng một kế hoạch bài bản về tiêu chuẩn chất lượng và nên làm ngay từ đầu với sự cố vấn của các chuyên gia. Đó là cái giá phải trả cho chiếc vé vào cổng thị trường quốc tế.
Nhu cầu của “thời đại” ESG
“Ở trên bàn thảo luận chuyện làm ăn, sau một vài câu hỏi là bạn từ đâu, công ty có sản phẩm gì, câu kế tiếp đối tác chắc chắn sẽ hỏi “bạn có những chứng nhận nào?””, bà Nguyễn Nam Trân, Giám đốc điều hành hoạt động đào tạo, đánh giá và chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế của SGS Việt Nam, mở đầu câu chuyện của mình.
Những năm 2014-2015, bà nói, con tôm Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài chỉ cần đáp ứng hai tiêu chí chính là ngon và không có dư lượng kháng sinh. Nhưng giờ đây, con tôm phải gánh nhiều trách nhiệm hơn. Cả thế giới một thời mưu cầu chuyện “ăn no, mặc ấm” đã dần chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp” và nay là xu hướng mới: “Ăn có trách nhiệm, mặc cũng có trách nhiệm”. Vì vậy, bà Nam Trân nói: “Ngoài chuyện ngon và an toàn, con tôm ngày nay còn phải chịu thêm hai yếu tố nữa là quản trị rủi ro và đáp ứng các tiêu chuẩn ESG của phát triển bền vững. Đó là chuyện trang trại tôm có gây ảnh hưởng môi trường hay không, có bảo đảm sinh kế cho người nuôi tôm, không có nạn bóc lột lao động trẻ em và phụ nữ”.
Nhưng ba cái thiếu lớn nhất của doanh nghiệp Việt là thiếu thông tin, thiếu kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn chất lượng bài bản và thiếu phương pháp, bà Trân nói về chuyện nghề cấp chứng nhận của mình. “Doanh nghiệp thường bị động. Đối tác hỏi đến chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế (International Standards Certification) gì thì lúc đó mới lo chạy vạy. Nhưng khách hàng không ngồi yên một chỗ để đợi mình”, bà Trân nói.
Chuyện tính già hóa non như vậy khá phổ biến với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, khiến khoản chi phí dành cho khâu làm các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế phình to vì các khoản chi phí ẩn.
“Một công ty thực phẩm mời SGS xuống đánh giá để cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng điều quan trọng đầu tiên mà chúng tôi phát hiện là thiết kế nhà máy không phù hợp. Doanh nghiệp phải đập đi, làm lại từ đầu. Lúc này, họ cần sức mạnh tổng hợp của nhóm lập kế hoạch, tư vấn về kiến trúc và xây dựng, và chuyên gia về tiêu chuẩn”, bà Nam Trân của SGS Việt Nam kể.
Các công cụ AI/nhúng AI doanh nghiệp nên thử
1. TRADEWHEEL (https://www.tradewheel.com/): Sàn giao dịch B2B toàn cầu tối ưu hóa bằng AI giúp thúc đẩy thương mại quốc tế cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu.
2. ECPLAZA (https://www.ecplaza.net/goldbuyer): Công cụ được tối ưu hóa bằng AI, kết nối người mua và người bán trên toàn thế giới, thúc đẩy mở rộng thương mại toàn cầu.
3. PLACER.AI (https://www.placer.ai/): Cung cấp phân tích data thực theo từng vùng và thành phố để tối ưu hóa chiến lược bán lẻ hoặc mở cửa tiệm.
4. STORYDOC (https://www.storydoc.com/pitch-deck-creator): Biến nội dung tĩnh thành các bài thuyết trình động, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong các cuộc thuyết trình kinh doanh.
5. BROWSE AI (https://www.browse.ai/): Công cụ AI tự động hóa việc trích xuất dữ liệu từ các trang web (kể cả của đối thủ), hỗ trợ nhà nghiên cứu thị trường và doanh nghiệp.
6. TRAYDSTREAM (https://traydstream.com/solutions-for-exporters/): Công cụ AI rà soát tài liệu thương mại cho các nhà xuất khẩu, nâng cao hiệu quả giao dịch.
7. SCOUT inventory management (https://www.cosyrobo.com/#home): Hệ thống quản lý tồn kho được AI hỗ trợ, giúp theo dõi và quản lý hàng tồn kho một cách hiệu quả cho các doanh nghiệp.