Hoàng Thảo
(KTSG Online) – Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, là cách mà các doanh nghiệp đã duy trì và nỗ lực phát triển thương hiệu trong đại dịch Covid-19.
Miliket, thương hiệu “vang bóng một thời” nổi lên giữa đại địch
Từng một thời chiếm tới 90% thị trường mì ăn liền Việt Nam trong những năm 70-80 cuối thế kỷ 20 nhưng hiện tại, mì ăn liền Miliket của Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (Miliket) an phận với vị trí rất nhỏ bé trên thị trường. Tuy nhiên, có lẽ chính nhờ vậy mà Miliket đã vượt bão đại dịch Covid-19 ngoạn mục.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket, trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, doanh nghiệp đã gặp phải rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực.
Vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM, nhiều khu vực lưu trú trước đó của người lao động bị phong tỏa, cách ly y tế; các gia đình lao động gặp khó khăn do dịch bệnh… dẫn đến số lượng người lao động thực tế khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ” tại công ty chỉ còn khoảng 60%. Tình trạng nhân sự thiếu hụt tại các dây chuyền, bộ phận… ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì có những thời điểm, nhà cung cấp phát hiện công nhân bị mắc Covid-19, phải ngưng sản xuất, làm chậm tiến độ giao hàng.
Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đại dịch Covid-19 như một đòn bẩy giúp thương hiệu “vang bóng một thời” – Miliket hồi phục một cách mạnh mẽ.
Ngay trong đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên tại Việt Nam do Covid-19, Miliket là một trong những sản phẩm “đắt như tôm tươi” bởi nhu cầu dự trữ lương thực khi không thể ra ngoài của các hộ gia đình.
Ngoài chất lượng sản phẩm, lý do thương hiệu này được lòng người tiêu dùng chính là giá thành. Hiện tại, giá mì ăn liền Miliket được xem là thấp nhất thị trường. Một gói mì bao bì giấy 75gr chỉ 2.700 đồng; các loại khác dao động ở mức 3.100-6.000 đồng/gói.
Theo ông Tuấn, nhằm nâng tính cạnh tranh và giữ vững thương hiệu, công ty thực hiện các chiến lược cơ bản dựa trên tiêu chí cao nhất là chất lượng ổn định và giá cả phù hợp.
Về chiến lược chi phí cạnh tranh, công ty tập trung vào phân khúc thị trường với đối tượng khách hàng là người có thu nhập thấp và trung bình. Trong phân khúc này, dòng sản phẩm mì giấy và giấy kiếng trọng lượng nhỏ là chủ lực. Đồng thời, công ty đã cắt giảm tối đa chi phí quảng cáo để có giá sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, công ty còn nhắm đến nhu cầu của nhóm khách hàng ít có sự chú ý cạnh tranh là nhóm sản phẩm dành cho người ăn chay, ăn kiêng. Đáng chú ý khi công ty hướng đến phân khúc thị trường chưa ông lớn nào chạm đến. Thay vì căng mình cạnh tranh trong thị phần tiêu dùng hàng ngày của người dân, Miliket len lỏi vào các quán ăn, tiệm lẩu từ vỉa hè đến các nhà hàng ăn uống.
Tài Ký: Khát vọng đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới
Ngay cả trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19, Công ty cổ phần Bột – Thực phẩm Tài Ký vẫn nỗ lực vượt qua biến động của thị trường để xây dựng thương hiệu các sản phẩm giàu dinh dưỡng vì sức khỏe cộng đồng.
Doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh quy mô sản xuất để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng. Những thành tích trong 2 năm qua đã khẳng định vị thế và giá trị bền vững mà thương hiệu này theo đuổi.
Theo ông Vũ Hữu Huy, Giám đốc nhà máy Bột – Thực phẩm Tài Ký, năm 2021 đánh dấu cột mốc 45 năm thành lập và phát triển của Tài Ký. Đến nay, thương hiệu này không chỉ là sản phẩm quen thuộc được các bà nội trợ, các đầu bếp nhà hàng, khách sạn tin dùng mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam khi sản phẩm được ưa chuộng tại các bếp ăn nước ngoài.
Mọi quy trình hoạt động và sản xuất tại của công ty đều tập trung vào mục tiêu mang lại những sản phẩm đạt chuẩn chất lượng đến tay người dùng. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng, phấn đấu trở thành một thương hiệu uy tín được người tiêu dùng tin tưởng.
Trong tương lai, thương hiệu đặt mục tiêu kiên trì và nỗ lực mang lại dịch vụ ngày càng tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu ra quốc tế với khát vọng mang ẩm thực Việt đến mọi người, mọi nhà trên toàn cầu.