(KTSG) – Điều gì làm nên sức sống cho một thương hiệu? Chính là sản phẩm, mà muốn thương hiệu được người tiêu dùng biết tới, thương yêu và tin tưởng lựa chọn không chỉ một vài lần mà có khi trong suốt cuộc đời thì sản phẩm ấy phải tốt. Sản phẩm tốt làm nên thương hiệu vàng.
Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), đã nhắc đi nhắc lại điều này trong buổi trò chuyện với Kinh tế Sài Gòn sau khi ABC Bakery đạt danh hiệu Thương hiệu Vàng mới đây.
Thăng trầm cuộc đời, thăng trầm thương hiệu
Ông Kao Siêu Lực bắt đầu câu chuyện xây dựng thương hiệu bằng sự hồi tưởng về thời thanh xuân cơ cực và nhọc nhằn, vừa làm vừa học, nghề dạy nghề đã giúp ông tự tin mở hiệu bánh của riêng mình vào năm 1982-1983.
Tiệm bánh mì có tên Đức Phát chính thức treo bảng vào năm 1984.
Có tiệm bánh, ông mày mò nghiên cứu và những chiếc bánh croissant hoàn chỉnh, sau bảy ngày tự mày mò, làm hư đến năm mẻ bột đã ra đời.
“Mẻ bánh croissant đầu tiên có 24 cái tôi bán hết trong vòng ba tiếng đồng hồ. Ba ngày sau tôi cũng vẫn chỉ làm 24 cái. Bánh làm ra không đủ bán. Người tiêu dùng đứng chờ để mua. Một tuần sau tôi nâng số lượng bánh lên 48 cái rồi lên 200, 500 và 1.000 cái và lúc này thì nhân lực bắt đầu thiếu, máy móc thiết bị không đáp ứng được công suất nên tôi đã nhập lò xoay của Úc về để sản xuất. Đây có lẽ là chiếc lò xoay sản xuất bánh mì đầu tiên tại Sài Gòn”, ông nhớ lại những ngày đầu.
Từ những mẻ bánh croissant 24 cái, 48 cái, 200, 500 và 1.000 cái, người tiêu dùng biết tới, nhớ tới và đi tìm mua, ông Kao Siêu Lực có thêm động lực để tìm tòi và cho ra đời thêm nhiều loại bánh. Mà trong đó, bánh dừa lưới là một trong những loại bánh thu hút người tiêu dùng từ những năm 1984-1985 tới nay.
Vì những lý do cá nhân, ông rời khỏi Đức Phát, và gầy dựng lại sự nghiệp với thương hiệu ABC Bakery vào năm 2007.
Ông kể, việc bắt đầu lại, xây dựng lại sự nghiệp với một thương hiệu hoàn toàn mới thực sự không hề đơn giản. Mặc dù vẫn là ông Kao Siêu Lực làm các loại bánh đó, nhưng làm sao để người tiêu dùng tiếp tục chọn, bởi họ đâu tường tận những câu chuyện bên trong.
“Nhân viên của chúng tôi phải đi giải thích cho hầu hết khách hàng tại sao lại là ABC Bakery mà không phải là Đức Phát bởi nhiều khách tới cửa hàng nhưng sau đó quay ra vì nghĩ đi nhầm. Với những khách hàng sỉ, chúng tôi xin gặp gỡ trao đổi, trò chuyện để họ hiểu. Nhiều khách hàng đã đồng ý tiếp tục ký hợp đồng. Các dây chuyền sản xuất bánh của ABC Bakery hoạt động. Tôi lại mày mò, tìm tòi, nghiên cứu ra các loại bánh mới. Các cửa hàng mở ra nhiều hơn và được người tiêu dùng tin tưởng”, ông Kao Siêu Lực kể lại.
Niềm đam mê nghiên cứu, khám phá, tự đổi mới, thay đổi chính mình, thấm thoát cũng đã 14 năm trôi qua từ ngày ABC Bakery ra đời. Đến nay, ABC Bakery đã có hệ thống 35 cửa hàng ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng và sắp tới sẽ là Quảng Ngãi. Mỗi ngày tiêu thụ khoảng 70.000 cái bánh các loại. Lượng bánh xuất khẩu một tháng 18, 19 contaner, mỗi container tương ứng với 40.000-80.000 bánh.
Lập nghiệp đã khó, giữ nghề khó hơn nhiều
Ông Kao Siêu Lực nói, người Trung Quốc có câu “Lập nghiệp đã khó, giữ nghề khó hơn nhiều”. Với ông, lập nghiệp tức là tạo dựng niềm tin, sự yêu thương của người tiêu dùng đối với các loại bánh, là tạo dựng thương hiệu; giữ nghề tức là gắng sức gìn giữ niềm tin, sự yêu thương và tiếng tăm, hình ảnh của thương hiệu đó.
Một trong những bài học xây dựng tên tuổi, thương hiệu đầu tiên mà ông học được từ những ngày đầu tiên bán hàng và là bài học theo ông suốt cuộc đời: “Đừng bao giờ nghĩ người tiêu dùng không biết gì. Thực tế, người tiêu dùng rất tinh, nếu sản phẩm không ngon họ sẽ biết ngay. Muốn họ luôn chọn bánh mình làm thì mỗi chiếc bánh làm ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải ngon và vị ngon đó, chất lượng đó phải luôn ổn định, không thể ngày hôm nay làm chất lượng, làm ngon, thấy người tiêu dùng mua thì liền bớt chút nguyên liệu, hay lựa nguyên liệu không phải ngon nhất để giảm chi phí”…
Nguyên liệu làm bánh quan trọng nhất là bột mì từ trước tới nay đều được ông nhập khẩu từ Mỹ, bơ thì nhập của Pháp.
Với mỗi loại bánh làm ra, bao giờ ông và các nhân viên, gia đình cũng thử. Thử để đánh giá, nếu chưa hoàn chỉnh, chưa ra đúng vị ngon mong muốn thì phải điều chỉnh. Để mỗi chiếc bánh tới tay người dùng là chiếc bánh ông ưng nhất.
“Bạn còn nhớ tôi kể chỉ làm 24 cái bánh croissant trong suốt ba ngày cho dù người mua đứng xếp hàng chứ? Bởi tôi cần có thời gian để mỗi mẻ bánh ra đời ổn định về chất lượng. Việc ổn định chất lượng rất quan trọng trong nghề làm bánh, những sản phẩm xuất khẩu càng cần chú trọng điều này”, ông Kao Siêu Lực nói.
Ông bảo, hiện nay ở ABC Bakery trên dưới đồng lòng thực hiện theo tiêu chí QSCT tức là Chất lượng (Quality), Dịch vụ (Service), Sạch sẽ (Slean) và Đúng giờ (on Time) – đúng giờ đó bánh ra lò, có mặt trên quầy kệ để người tiêu dùng cần sẽ có ngay. Để thực hiện tốt tiêu chí ấy, để có sản phẩm tốt thì cần ba yếu tố quan trọng đó là nguyên liệu tốt, kỹ thuật tốt và máy móc thiết bị hiện đại.
Và bao nhiêu năm làm nghề, say mê với bột mì, với nguyên liệu, với ông, điều được nhất không phải là làm ra bao nhiêu tiền, mà chính là niềm tin, sự thương yêu của khách hàng. Có những vị khách ăn bánh ông làm từ khi còn là cô bé, cậu bé được cha mẹ dẫn tới mua rồi chính họ lại trở thành những ông bố, bà mẹ và lại đưa con mình tới mua bánh ông làm. Có những vị khách kể có khi tiện đường ghé mua một loại bánh bông lan khác cho ông bà đã rất cao tuổi của họ nhưng người ông, người bà đó nhận ra ngay đó không phải loại bánh vẫn hay ăn. Có những vị khách là Việt kiều, xa quê bao năm, về lại Việt Nam vẫn đi tìm mua bánh croissant, bánh dừa lưới, bánh bông lan…
Và theo ông, việc xây dựng, gìn giữ thương hiệu, ở mỗi thời mỗi khác. Người chủ doanh nghiệp phải không ngừng học hỏi, phải có tư duy mở, để thay đổi chính tư duy của mình từ đó sáng tạo, đổi mới cách làm.
Ví dụ, thời ông mới lập nghiệp, những năm 1982–1983, ông quan niệm chỉ cần chất lượng tốt là đủ, người tiêu dùng sẽ tự tìm tới. Theo đó, việc quảng cáo, giới thiệu trên báo chí hay áp phích không được ông để ý. Nhưng bây giờ, thế giới phẳng, các ứng dụng xã hội phát triển, đối tượng tiêu dùng cũng có sự thay đổi thì để tiếp cận người tiêu dùng cũng phải áp dụng các ứng dụng xã hội, rồi báo chí, truyền hình; hay ngày xưa hiếm có chuyện cho người tiêu dùng thử sản phẩm nhưng bây giờ chuyện đó là việc làm thường xuyên, …
Thêm nữa, giờ người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, khẩu vị cũng đa dạng hơn. Làm sao để họ tới với ABC Bakery và tiếp tục chọn cũng khó hơn…
Một điều đặc biệt, ông Kao Siêu Lực nhận thấy là hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp hay sản phẩm sẽ gắn liền với xã hội. Theo đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là điều không thể thiếu. Ông tới Việt Nam năm 1979, đất nước, xã hội và con người nơi đây là phần đời máu thịt của ông, xã hội cần gì, ông cống hiến được gì, dù là nhỏ bé ông sẽ cống hiến.
Ông bảo, sản phẩm bánh mì thanh long hay bánh mì đen trong đợt dịch Covid-19 vừa qua của ông ra đời vì ý nghĩa đó.
Theo ông, làm kinh doanh luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng điều khó khăn hơn cả là phải giữ được lập trường, sự kiên định. Sự kiên định rằng lấy chất lượng làm đầu, sự kiên định rằng mình làm mọi việc phải ngó trước nhìn sau để giữ chữ tín.
“Rồi đến một lúc nào đó, chính mình cũng không ngờ được là tất cả những điều ấy sẽ làm nên thương hiệu của riêng mình. Thương hiệu cá nhân gắn với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp”, ông bộc bạch.
Vũ Yến