(KTSG) – Với chiến lược nâng tầm thương hiệu ra toàn cầu, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát đã từng bước xây dựng thương hiệu vững chắc và tăng tốc phát triển mạnh mẽ hơn.
Từ xưởng sản xuất nhỏ vươn ra toàn cầu
Vào đầu tháng 4-2020, Stark Corporation phát đi thông báo đã mua thành công 100% cổ phần của Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát (Thipha Cables) và Công ty cổ phần Kim loại màu và Nhựa đồng Việt Nam (Dovina).
Theo đó, tập đoàn đến từ Thái Lan chi trả 240 triệu đô la Mỹ cho thương vụ, tương đương khoảng 66.667 đồng cho mỗi cổ phần của Thipha Cables và Dovina.
Được biết, Thipha Cables có xuất phát điểm là một cơ sở nhỏ do doanh nhân Võ Tấn Thịnh thành lập năm 1987 tại TPHCM. Sau hơn ba thập niên phát triển, Thipha Cables đã trở thành nhà sản xuất dây và cáp điện lớn thứ hai ở Việt Nam. Doanh nghiệp còn xuất khẩu sản phẩm ra một số nước ở Đông Nam Á.
Cuối năm 2009, các cổ đông của Thipha Cables thành lập Dovina để nhập khẩu và xử lý đồng và nhôm cho sản xuất dây và cáp điện. Dovina bán đồng và nhôm đã chế biến cho Thipha Cables, các doanh nghiệp khác ở Việt Nam và nước ngoài.
Đăng ký bảo hộ thương hiệu nhiều nơi trên thế giới
Sản phẩm của ThiPha Cable được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015, và luôn được kiểm nghiệm nghiêm ngặt bằng hệ thống máy kiểm nghiệm hiện đại hàng đầu từ Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản… đảm bảo các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế: TCVN, BS, IEC, ASTM… được chứng nhận bởi TUV, KEMA. Thương hiệu Thipha Cable đã được đăng ký bảo hộ ở châu Á, một số nước Trung Đông và Nam Mỹ.
Giai đoạn 2017-2018, tổng doanh thu hợp nhất của 2 doanh nghiệp này lên tới hơn 9.000 tỉ đồng.
Với nỗ lực không ngừng, từ một xưởng sản xuất với quy mô nhỏ, trang thiết bị lạc hậu ra đời vào tháng 6-1987, cho đến nay, nhà máy Thipha Cable được xem là một trong những nhà máy có quy mô và công nghệ tiên tiến trong ngành sản xuất dây và cáp điện tại Việt Nam.
Nhà máy Thipha Cable có diện tích 250.000 mét vuông tại Khu công nghiệp Thịnh Phát (Bến Lức, Long An) được trang bị máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến của Mỹ và châu Âu. Nhà máy có công suất cao, quy trình khép kín từ chế tạo nguyên liệu đầu vào cho sản xuất dây và cáp điện (đồng rod, nhôm rod, PVC compound, XLPE…) đến cung cấp thành phẩm dây và cáp điện cho thị trường trong và ngoài nước.
Thipha Cable còn được biết đến là nhà cung cấp chính cho lưới truyền tải điện quốc gia Việt Nam như đường dây 500 kV, 220 kV, 110 kV… Doanh nghiệp đã và đang tham gia vào chương trình ngầm hóa và cải tạo lưới điện tại các thành phố lớn; các dự án năng lượng nông thôn được tài trợ bởi nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế như WB, ADB, KfW, AFD, JICA… góp phần giảm tổn thất điện, nâng cao chất lượng điện nông thôn.
Bên cạnh việc tham gia vào chuỗi cung ứng cho các công trình công nghiệp, Thipha Cable còn là nhà cung ứng cho các công trình sân bay, cầu cảng, đường bộ, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện, các công trình chung cư và nhà ở.
Mỗi năm doanh nghiệp cung cấp 90.000 tấn sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế bao gồm sản phẩm cáp ngầm cao thế lên đến 132 kV, sản phẩm cáp ngầm trung thế, cáp ngầm hạ thế, cáp chống cháy, dây dẫn trần dùng cho đường dây tải điện trên không và dây dân dụng các loại.
Ông Đoàn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc về thương mại của Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát cho biết doanh nghiệp kiên trì với chiến lược nâng tầm thương hiệu Thipha Cable trở thành thương hiệu toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng giá trị của sản phẩm. Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu gắn kết giá trị thương hiệu với những đóng góp của doanh nghiệp đối với xã hội, từ đó tạo dựng niềm tin và phát triển thương hiệu.
“Danh hiệu Thương hiệu Vàng TPHCM 2020 là một vinh dự cho công ty chúng tôi. Đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo dựng một thương hiệu bảo chứng về chất lượng sản phẩm dây và cáp điện trong ngành công nghiệp nặng của TPHCM. Giải thưởng cũng là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục lớn mạnh, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố. Để sản phẩm của Thipha Cable xứng đáng là một trong những “đặc sản” của TPHCM”, ông Đoàn Tiến Dũng chia sẻ.
Ứng dụng kỹ thuật số ĐỂ xây dựng, phát triển thương hiệu
Sự phát triển của công nghệ đã tạo cơ hội cho Thipha Cable tiếp cận với đối tác, khách hàng một cách nhanh chóng và đa chiều. Thông qua các ứng dụng kỹ thuật số, việc quảng bá hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp đến với khách hàng trong nước và quốc tế một cách rõ ràng, minh bạch.
Nhờ ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, thương hiệu sản phẩm công ty được thị trường biết đến và đón nhận một cách rộng rãi hơn. Đơn cử, việc ứng dụng công nghệ EAP của hãng SAP đã giúp công ty có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong việc quản lý doanh nghiệp: Từ quản lý nguồn lực, quản lý quan hệ khách hàng, quản lý tài chính, quản lý nguồn nhân lực, quản lý dòng sản phẩm, và quản lý chuỗi cung ứng… hiệu quả, chính xác và tiết kiệm hơn.
Tầm nhìn của Thipha Cable là xây dựng thương hiệu dây cáp điện được khách hàng yêu thích và tin cậy trong khu vực Đông Nam Á, trở thành công ty nổi bật về sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ cao trong ngành dây cáp điện. Chính vì mục tiêu này, Thipha Cable xây dựng môi trường ưu việt để toàn bộ nhân sự làm việc và phát triển, bên cạnh việc ứng dụng linh hoạt giải pháp công nghệ trong kinh doanh lẫn trong sản xuất sản phẩm chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu thiết thực của khác hàng.
Nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng là hoạt động được doanh nghiệp chú trọng, để từ đó có thể cho ra đời những sản phẩm có tính năng ưu việt, dễ sử dụng và dễ thi công. Công ty cập nhật, đón đầu các xu hướng công nghệ và sản phẩm trong ngành dây và cáp điện trên thế giới; chú trọng đầu tư công nghệ mới, trang thiết bị hiện đại cùng với việc tuân thủ chặt chẽ quy trình quản lý ISO 9001:2008 để tạo ra các sản phẩm có độ chuẩn xác cao đạt chuẩn quốc tế BS, IEC, AST. Yêu cầu đặt ra là sản phẩm đạt các tiêu chí chất lượng và được chứng nhận của những tổ chức kiểm định uy tín toàn cầu như TUV, KEMA.
“Năm 2021 sẽ vẫn còn khá nhiều thách thức và rủi ro. Những bất ổn về thiên tai, dịch bệnh còn bủa vây… Tuy nhiên, Thipha Cable luôn chuẩn bị cho mình tâm thế vững vàng, chú trọng nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới…, nhằm giữ vững vị thế tiên phong của thương hiệu Cáp điện Thịnh Phát… sẵn sàng sát cánh cùng các đối tác trong nước và quốc tế”, ông Đoàn Tiến Dũng chia sẻ.
Tính đến tháng 12-2019 Thipha Cable có vốn điều lệ ước khoảng 560 tỉ đồng, doanh số trung bình 10.500 tỉ đồng, với khoảng 1.000 nhân viên trên khắp cả nước và tham gia kinh doanh ở 12 thị trường khác nhau.
Thipha Cable được ghi nhận là 1 trong 19 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải vàng Chất lượng Quốc gia 2010, 2014 và 2018; 6 lần liên tiếp được Bộ Công Thương công nhận đạt “Thương hiệu Quốc gia” qua các kỳ từ 2008 đến 2018. Sản phẩm dây và cáp điện của Thipha Cable được người tiêu dùng bình chọn danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nhiều năm liền. Công ty Thịnh Phát (Thipha Cable) được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì 2013.
Chánh Trung