(KTSG Online) – Trong ký ức về những món ăn tuổi thơ của không ít người tiêu dùng Việt Nam ắt hẳn còn lưu giữ hương vị của những tô mì Hảo Hảo, mì ly Modern hay tô phở Đệ Nhất… Acecook Việt Nam chính là doanh nghiệp tạo nên những món ăn ấy. Sau 25 năm kể từ ngày ra mắt sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam, Acecook Việt Nam vẫn kiên định trên con đường xây dựng và gìn giữ thương hiệu, từ đó vun đắp tình yêu, niềm tin, sự gắn bó trong lòng người tiêu dùng Việt.
Chinh phục thị trường bằng sự khác biệt, cách làm mới
Buổi trò chuyện diễn ra tại văn phòng công ty trong Khu công nghiệp Tân Bình với ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, xoay quanh những câu chuyện và hồi ức về ngày đầu tiếp cận người tiêu dùng, quá trình xây dựng thương hiệu.
Acecook đặt chân đến Việt Nam vào năm 1993, đến tháng 12 năm đó công ty nhận giấy phép thành lập. Suốt quá trình đó, nhiều cuộc khảo sát, thăm dò thị trường đã được tiến hành để chuẩn bị cho sự ra đời của sản phẩm đầu tiên vào năm 1995.
Ông Kajiwara Junichi kể lại, khi ấy, thị trường mì ăn liền Việt Nam chưa sôi động như bây giờ, chỉ có vài thương hiệu và hầu hết đều có nhà máy sản xuất ở khu vực miền Nam. Thị trường chỉ có hai dòng mì ăn liền bình dân và cao cấp. Dòng bình dân giá bán mỗi gói ở mức 700 – 1.000 đồng, hầu hết sử dụng bao bì giấy kraft và dòng cao cấp giá 1.000 – 1.400 đồng, sử dụng bao bì cao cấp hơn.
Sau thời gian nghiên cứu, công ty đã đưa ra những sản phẩm đầu tiên với giá bán 1.800 và 2.000 đồng/gói.
“Định hướng của chúng tôi là đưa ra những sản phẩm chất lượng cao nên phải chấp nhận có mức giá bán cao hơn thị trường. Và với bối cảnh điều kiện kinh tế của người dân chưa cao thì để mọi người biết đến và sử dụng sản phẩm của Acecook là điều không hề đơn giản”, ông Kajiwara Junichi nói.
Ông kể lại, những năm thập niên 1990, để tiếp cận người tiêu dùng, giải pháp chủ yếu mà Acecook thực hiện là phát mẫu sản phẩm miễn phí để người tiêu dùng ăn thử. Khác với hiện tại, truyền hình ở giai đoạn này chưa thật sự phổ biến, thời lượng phát sóng cũng hạn chế, quảng cáo truyền hình chủ yếu là các hình thức đơn giản như bản tin thông báo hoặc sử dụng hình ảnh tĩnh. Vì thế, hình thức quảng cáo chính của Acecook lúc này chỉ tập trung trên các kênh phổ biến là bảng hiệu, báo, tạp chí.
Vào thời điểm ban đầu, trong khi phần lớn các đại lý, cửa hàng kinh doanh phải tới tận nhà máy, cơ sở sản xuất để lấy hàng về bán, thì Acecook đã đưa ra cách làm mới, hoàn toàn khác biệt: cho nhân viên tới từng cửa hàng, đại lý và ra cả chợ giới thiệu sản phẩm, và giao hàng tận nơi. Song song đó, công ty còn áp dụng chính sách khuyến mãi như tặng máy đếm tiền cho các cửa hàng, đại lý. Ở thời điểm đó, lượng tiền lẻ, mệnh giá thấp tại các cửa hàng, đại lý rất nhiều nên hình thức khuyến mãi này đã thu hút, hấp dẫn chủ các đại lý, cửa hàng, thúc đẩy họ bán hàng của Acecook.
“Bằng nhiều hình thức tiếp thị, sau ba năm doanh thu của công ty đã có sự cải thiện đáng kể”, ông Kajiwara Junichi nhớ lại.
Chất lượng giữ chân người tiêu dùng
Theo lời chia sẻ của ông Kajiwara Junichi, nhiều thế hệ cán bộ và công nhân viên của Acecook gọi hành trình 25 năm (1995 – 2020) xây dựng, phát triển và gìn giữ thương hiệu của mình là hành trình “từ khẩu vị đến trái tim”. Trên hành trình ấy, kim chỉ nam xuyên suốt, dẫn lối chính là mang đến sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, đó là những sản phẩm “công nghệ Nhật Bản, hương vị Việt Nam”. Chính bởi vậy, Acecook đã gắn câu khẩu hiệu (slogan) “Biểu tượng của chất lượng” lên bao bì từ những sản phẩm đầu tiên.
Đặt tiêu chuẩn theo các sản phẩm mì ăn liền của Nhật Bản, công ty yêu cầu rất cao về mặt an toàn thực phẩm đối với các nguyên liệu đầu vào. Vì thế, khi các nhà cung cấp tại Việt Nam không đáp ứng được chất lượng, công ty đã phải sử dụng nguồn cung ứng nguyên liệu từ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với giá thành phải tăng cao, rất khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Tuy nhiên, với những nỗ lực để tìm ra lời giải cho bài toán giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng cao cấp và có mức giá bán hợp lý cho tất cả mọi người sử dụng thông qua việc nhờ các chuyên gia từ các đối tác Nhật Bản sang Việt Nam chuyển giao kinh nghiệm cho các nhà cung cấp trong nước, trái ngọt cuối cùng đã đến với Acecook. Sau 5 năm kể từ ngày bán hàng đầu tiên vào năm 1995, Acecook đã có thể tự tin mua nguyên vật liệu trong nước vì chất lượng của các nhà cung cấp tại Việt Nam đã cải thiện hẳn. Đây cũng chính là thời điểm mì Hảo Hảo ra đời (năm 2000). Sản phẩm này nhanh chóng trở thành cú hit tại thị trường Việt Nam, chính bởi yếu tố hợp khẩu vị người tiêu dùng, chất lượng Nhật Bản và mức giá cạnh tranh (1.000 đồng/gói). Sau đó Acecook sản xuất bao nhiêu cũng không đủ nhu cầu, và cứ liên tục như vậy những năm sau đó. Thời điểm Hảo Hảo mới ra đời công ty chỉ có 1 nhà máy tại TPHCM, sau đó để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, Acecook đã liên tiếp xây dựng các nhà máy trải dài khắp Việt Nam.
Trong những năm qua, bên cạnh mì Hảo Hảo, Acecook Việt Nam đã chinh phục người tiêu dùng bằng các sản phẩm ở nhiều phân khúc, chủng loại như: Phở Đệ Nhất, Bún Hằng Nga, Hủ tiếu Nam Vang, Miến Phú Hương, mì gói Siukay, mì ly Handy Hảo Hảo.
Các yếu tố giúp Hảo Hảo giữ chân người tiêu dùng cho đến bây giờ chính là luôn đảm bảo sản xuất và cung ứng sản phẩm an toàn, an tâm, vệ sinh, chất lượng. Bên cạnh đó là đảm bảo hàng luôn có mặt tại các điểm bán trên toàn quốc để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận; đội ngũ bán hàng thường xuyên chăm sóc các điểm bán; tích cực truyền thông quảng cáo trên nhiều phương tiện truyền thông. Nhưng quan trọng hơn cả là luôn giữ chất lượng ổn định và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong dòng chảy 26 năm, đã có ba lần Acecook thay đổi bộ nhận diện thương hiệu (1993, 2004, 2015), tuy nhiên, điều không thay đổi đó là quan điểm mang đến sản phẩm chất lượng cao cho người sử dụng. Cũng từ năm 2015, slogan “Cook Happiness” ra đời, phản ánh mong muốn của doanh nghiệp thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm của mình để mang lại cho khách hàng – đối tác, nhân viên cũng như cho xã hội niềm vui, niềm hạnh phúc.
Chính vì thế mà khi nói tới những thành tựu đạt được, ông Kajiwara Junichi cho rằng thành công lớn nhất là việc đã xây dựng Acecook thành một công ty có vai trò không tách rời xã hội: kinh doanh loại sản phẩm mang nhiều giá trị hữu ích đối với xã hội, tạo ra hơn 6.000 công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên và đóng góp cho sự phát triển của xã hội thông qua các chương trình CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) ý nghĩa.
“Sản lượng bán hàng năm 2020 của chúng tôi tại thị trường nội địa là 3,1 tỉ gói mì. Đồng thời, xuất khẩu 300 triệu gói mì sang các nước khác. Với việc xuất khẩu này, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng biết tới thương hiệu mì ăn liền Việt Nam nhiều hơn, biết tới một nơi có nguồn nguyên liệu phong phú và có một nền ẩm thực tinh tế, lâu đời”, vị Tổng giám đốc của Acecook tâm sự khi kết thúc cuộc trò chuyện.
Vũ Yến