(KTSG Online) – Theo nhiều doanh nhân, việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh hay còn gọi là chuyển đổi kép không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, phát triển bền vững.
- Lửa thử Thương Hiệu Vàng, gian nan thử sức doanh nghiệp
- Xây dựng thương hiệu từ định hướng giá trị khác biệt
Biti’s nỗ lực xanh hóa sản xuất, nâng tầm hàng Việt
Theo bà Đặng Ngọc Diễm, Trưởng kênh B2C của Biti’s, tính đến tháng 11 năm nay, tại Việt Nam, Biti’s có khoảng 1.900 đại lý, cửa hàng chuyên bán các sản phẩm của công ty. Trong năm 2024, khoảng 28% sản phẩm của công ty được xuất khẩu, 72% tiêu thụ nội địa.
Tại thị trường nước ngoài, Biti’s đã bán sản phẩm đến hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường lớn như Trung Quốc, Ý, Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Nhật… Công ty còn được các khách hàng quốc tế có thương hiệu nổi tiếng như Decathlon, Clarks tin tưởng chọn lựa trở thành đối tác gia công trong nhiều năm qua.
Bà Diễm cho biết từ năm 2023, Biti’s đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào mỗi cửa hàng để quá trình chăm sóc khách hàng được tốt hơn. Ứng dụng này đo được sự tương tác của nhân viên với khách hàng, phân tích phản ứng của khách khi trải nghiệm sản phẩm… Việc này giúp công ty hiểu được hành vi tiêu dùng của khách hàng, từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người mua cũng như đưa ra những chương trình khuyến mãi phù hợp. Doanh số của các cửa hàng của Biti’s đã tăng đáng kể, từ 5-7% nhờ ứng dụng này.
Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư vào các kênh bán hàng trực tuyến và trải nghiệm số hóa, từ việc cá nhân hóa sản phẩm cho đến dịch vụ chăm sóc khách hàng nhanh chóng, tiện lợi. Trong chiến lược dài hạn, từ 5 đến 10 năm tới, công ty sẽ tập trung vào các dự án đổi mới nhằm mang đến sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.
Cụ thể, Biti’s sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất. Bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và tự động hóa, công ty mong muốn cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa các quy trình từ khâu sản xuất đến phân phối. Với những nỗ lực này, Biti’s tin rằng sẽ không chỉ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường mà còn góp phần nâng cao vị thế của thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ở khối sản xuất không ngừng nỗ lực hướng đến mục tiêu giảm phát thải, phát triển bền vững, công ty cũng chú trọng đến các hoạt động chuyển đổi xanh.
Yếu tố bền vững luôn được tích hợp vào quy trình sản xuất và hoạt động của Biti’s, thể hiện cam kết của công ty trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường. Về sản phẩm, bộ sưu tập “Còn gì dùng đó” của công ty sử dụng vật liệu tái chế, tạo ra các sản phẩm từ nguyên liệu dư thừa trong quá trình sản xuất và khuyến khích người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường.
Tại các nhà máy, Biti’s cũng đã thay thế than đá bằng năng lượng tái tạo gồm hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và được cấp chứng chỉ Năng lượng tái tạo (i-REC) nhờ những nỗ lực này. Công ty cũng chủ động đo lường và giảm thiểu khí thải nhà kính, nỗ lực xây dựng một môi trường làm việc xanh cho nhân viên.
Theo bà Diễm, việc chuyển đổi số kết hợp với chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và xã hội đồng thời còn giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Đại diện của Biti’s cho rằng cột mốc đạt và duy trì Thương hiệu Vàng TPHCM trong nhiều năm liền là niềm tự hào và động lực cho công ty tiếp tục nỗ lực trên hành trình “Nâng niu bàn chân Việt” hơn 40 năm qua. Giải thưởng không chỉ là dấu mốc quan trọng giúp Biti’s nâng cao giá trị thương hiệu mà còn là cơ hội để công ty khẳng định vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường.
Bệnh viện Hùng Vương: chuyển đổi số, chăm sóc sức khoẻ người dân tốt hơn
Theo PGS. TS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), những năm vừa qua, bệnh viện đã không ngừng cập nhật trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với kỹ thuật y tế hiện đại trên thế giới. Hiện bệnh viện có thể thực hiện hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực sản phụ khoa như hỗ trợ sinh sản hiếm muộn vô sinh, di truyền y học…
Bệnh viện cũng dành nguồn lực đầu tư, chủ động công tác chuyển đổi số mọi mặt trong hoạt động khám chữa bệnh. Điều này đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người bệnh thoải mái hơn khi đi khám chữa bệnh và giúp bệnh viện đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, số hóa đơn thuốc, kết quả cận lâm sàng… cũng giúp hạn chế sai sót trong khám và điều trị.
Bệnh viện đang dần hoàn thiện bệnh án điện tử, ứng dụng nhiều công nghệ thông tin trong quản trị bệnh viện; đặc biệt là sử dụng AI trong chẩn đoán và điều trị để có thể hòa nhập với xu hướng chung của toàn thế giới.
Nhờ nhiều nỗ lực trong hoạt động khám, chữa bệnh, vào tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Hùng Vương là cơ sở y tế công lập đầu tiên tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe theo EQuIP7 – phiên bản mới nhất từ ACHS International (Hội đồng Úc về tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe). Với chứng nhận này, bệnh viện có thể yên tâm cung cấp các dịch vụ với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đó là định hướng để giúp Bệnh viện Hùng Vương tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.
Trong 5-10 năm tới, bệnh viện sẽ tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để không chỉ đảm bảo duy trì tiêu chuẩn này mà còn tiến tới đáp ứng những tiêu chí cao hơn để xứng tầm là một trong những bệnh viện công lập đầu tiên của Việt Nam đạt được tiêu chuẩn quốc tế.
Dù là đơn vị chuyên về sản phụ khoa nhưng chúng tôi có rất nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng và môi trường. Hàng năm, bệnh viện có nhiều sáng kiến liên quan đến việc tái chế, sử dụng để giảm rác thải nhựa nhằm chung sức với toàn xã hội để bảo vệ môi trường.
Theo bác sĩ Tuyết, Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện sản phụ khoa công lập của TPHCM và cũng là một trong những bệnh viện hiếm hoi đạt được Giải thưởng Thương hiệu Vàng TPHCM. Đây là một vinh dự lớn đối với bệnh viện. Thông qua giải thưởng này, bệnh viện được người dân biết đến nhiều hơn và có thêm cơ hội học hỏi thêm từ các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến sức khỏe. Hoạt động này giúp bệnh viện cải thiện chất lượng dịch vụ.