(KTSG Online) – Bài toán tìm nhà lãnh đạo kế thừa, hay thế hệ kế nghiệp, luôn là nỗi trăn trở và cũng là thách thức của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong khối tư nhân. Do đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần có những chiến lược quy hoạch, đào tạo bài bản để giải quyết vấn đề này.
Sáng ngày 20-5 tại TPHCM đã diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quy hoạch kế thừa – Những câu chuyện từ thực tiễn” nằm trong chuỗi sự kiện “Chìa khóa trường thịnh: Lãnh đạo kế thừa”. Đây là chương trình do nhóm báo Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Club phối hợp cùng Công ty cổ phần L&A tổ chức.
Chuỗi sự kiện sẽ bao gồm các hoạt động, 3 cuộc seminar và 16 cuộc talkshow diễn ra từ ngày 20-5-2021 đến 22-7-2021.
Bài toán về thế hệ lãnh đạo kế nghiệp đang là nỗi trăn trở của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi chưa tìm ra được một chiến lược đào tạo bài bản, dẫn đến việc phải thay đổi lãnh đạo khi không đáp ứng được yêu cầu, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Ông Trần Minh Hùng – Tổng biên tập Kinh tế Sài Gòn cho biết: “làm thế nào để có sự tiếp nối lãnh đạo để tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh và thành công đó luôn là một vấn đề đau đầu của tất cả các doanh nghiệp, của tất cả các thế hệ đang lãnh đạo. Hiểu được điều đó và muốn góp phần cùng tất cả các doanh nghiệp, nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp giải bài toán khó khăn chúng tôi đã tổ chức chuỗi sự kiện “Bồi dưỡng kế nhiệm để trường thịnh” nhằm mang lại nhiều kiến thức và thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp”.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quy hoạch kế thừa – Những câu chuyện từ thực tiễn”, TS. Joe Folkman – Chủ tịch Công ty Phát triển lãnh đạo Zenger Folkman (Mỹ) cho biết: “chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu với hàng ngàn lãnh đạo của hàng trăm doanh nghiệp trên toàn cầu và rút kết được nhiều lưu ý. Trong đó điều đầu tiên là nhiều doanh nghiệp quá trễ trong việc chuẩn bị lãnh đạo kế thừa. Nếu muốn có ngay, nó không thể có ngay mà cần phải có thời gian, vì vậy cần phải chuẩn bị từ sớm. Doanh nghiệp của bạn có thể là một tập hợp các nhà lãnh đạo tuyệt vời nhưng điều đó không xảy ra một sớm một chiều. Bạn cần phát triển dần dần thế hệ kế thừa và lãnh đạo cần nhận được phản hồi thường xuyên”.
Mời xem diễn đàn trực tuyến tại đây:
Ông Akram (Ak) Sabbagh – Chủ tịch European Mentoring & Coaching Council (EMCC) khu vực châu Á -Thái Bình Dương thì cho rằng: “Doanh nghiệp cần có kế hoạch kỹ lưỡng cho người kế nhiệm và phải coi kế hoạch kế nhiệm là rất quan trọng. Kế hoạch kế nhiệm này phải được chuẩn bị khoa học, nghệ thuật. Doanh nghiệp phải xây dựng được đặc tính của người kế nhiệm tiềm năng để từ đó tìm kiếm được những người kế nhiệm phù hợp”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Giám đốc về Nhân lực và Văn hóa, Tập đoàn Philip Morris International, đã chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng đội ngũ kế nhiệm: “Xây dựng một đội ngũ kế nhiệm nhằm mục đích tạo ra một nguồn nhân lực vững mạnh để nắm giữ các vị trí chủ chốt của công ty trong tương lai. Khi xây dựng đội ngũ kế nhiệm thì cần tuân thủ các nguyên tắc như chấp nhận rủi ro có tính toán trong đầu tư vào nhân tài, không thiên vị và cần minh bạch. Bên cạnh đó cần hướng đến nhu cầu của tương lai, phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty…”.
Ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long cho biết: “quy hoạch người kế nhiệm, kế thừa mình phải rất khách quan. Yếu tố người thân, thân thuộc phải gác qua một bên, quy hoạch người kế thừa làm sao có đủ khả năng, đủ năng lực và đưa doanh nghiệp phát triển bền vững. Những người lãnh đạo được quy hoạch phải có tâm, tài, đức. Người lãnh đạo đương nhiệm phải có trách nhiệm rất kỹ để chọn lựa ra 1 hoặc 2 người lãnh đạo kế tiếp. Và khi mình chọn mình phải có tâm thật sự và cho họ cơ hội để thử thách”.
Ông Phạm Phú Trường, Phó chủ tịch thường trực HĐTV Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) cho rằng người lãnh đạo hiện tại phải nhìn ra được sự khác biệt của người lãnh đạo tương lai kế thừa trong doanh nghiệp. “Thế hệ trẻ hiện nay đã có nền tảng vì vậy chúng ta phải tạo nguồn cảm hứng để người lãnh đạo kế thừa có thể gia nhập vào mô hình của chúng ta. Mình cũng không nên đặt nặng quá về chuyên môn đối với người kế thừa”.
Chuỗi sự kiện “Bồi dưỡng kế nhiệm để trường thịnh” nhằm cung cấp thông tin khám phá ra vấn đề khi gặp khủng hoảng về vị trí lãnh đạo. Bên cạnh đó là tìm ra giải pháp trong việc lập kế hoạch và phát triển kế thừa, cũng chính là bước đầu tiên cần thiết trong việc cải tiến chương trình đào tạo người kế nhiệm.
Ngoài ra từ góc nhìn từ các nhà lãnh đạo quốc tế, đại diện doanh nghiệp đa quốc gia. Hay từ những chia sẻ chân thật của những người kế nhiệm thành công sẽ đem đến những bài học kinh nghiệm cho các tổ chức, doanh nghiệp chuẩn bị lập kế hoạch đào tạo người kế thừa một cách bài bản.
Chánh Trung